Cụ bảo cô Tin, liệu mà sinh thêm thằng cu nối dõi, kẻo lúc bố chúng nó đi gái lại ngồi mà khóc. Con gái là con người ta.
- Ngày mẹ chồng ngã cầu thang gãy chân, vợ bỗng gắt lên: ‘Trước giờ quý dâu nào thì giờ gọi về mà hầu!’ và cái kết khiến cả họ ngỡ ngàng
- Vô tình thấy chồng ôm ấp cô nhân tình xinh đẹp bốc lửa, vợ sau cơn chấn động mới thấm câu ‘chồng con rồi, mình sao cũng được’ thật xót xa
"Tao đi từ Nam ra Bắc tao không thấy có đứa con dâu nào như mày."
"Con đi khắp cái gầm trời này cũng không có người mẹ chồng nào như mẹ."
"Tao thì làm sao?"
"Thế con thì làm sao?"
"Mày chả làm sao, mày là nhất. Đi ra ruộng thì đi luôn đi. Ban ngày thì mải đi chơi, tối tắt mặt trời đổ lúa vào xay. Làm việc không khoa học chỉ có nghèo suốt đời con ạ."
"Con nghèo thì mẹ cũng nghèo theo, nên đừng có mà trù ẻo."
Ngày nào bọn tôi cũng được nghe "dân ca và nhạc cổ truyền" miễn phí từ hai mẹ con nhà bà cụ Thao.
Cụ năm nay tám mươi tuổi rồi, con dâu cụ thì hơn bốn mươi tuổi. Nghe đâu bảo ngày xưa cụ sức yếu, sảy mấy lần mới sinh được chú Tự. Vì là con cầu tự nên bà chiều chú lắm, từ nhỏ tới lớn muốn gì được nấy. Ngày chú Tự cưới cô Tin bà cụ cũng chẳng thích lắm, vì cô Tin học hết cấp một là nghỉ rồi. Nhưng chú Tự kiên quyết nên cụ phải cắn răng tổ chức lễ cưới. Cưới xong cô Tin sinh liền tù tì ba đứa con gái, cụ cứ bĩu môi mãi là đồ không biết đẻ.
Cụ bảo cô Tin, liệu mà sinh thêm thằng cu nối dõi, kẻo lúc bố chúng nó đi gái lại ngồi mà khóc. Con gái là con người ta. Cô Tin nghe thế bực mình bảo, "con gái là con người ta, con dâu đích thực mẹ cha mua về, thế sao mẹ không đối xử tốt với con đi, con nào chả là con, con trai mẹ có ở nhà chăm mẹ đâu, toàn thân con hầu hạ." Bà cụ hừ một cái rõ dài rồi quay mặt vào tường, chẳng nói gì thêm.
Mỗi ngày đều nghe thấy mẹ chồng con dâu nhà cụ kẻ xướng người tùy, hay hơn cả xem kịch nói trên VTV1 mỗi tối thứ bảy. Hôm nào không thấy hai mẹ con cụ cãi nhau, là thấy xóm hiu hắt hẳn.
Có một sớm, tôi vừa cho kem đánh răng vào miệng, thấy bà cụ nhà bên hậm hực gào toáng lên:
"Tay tao bưng trầu, đầu tao đội lễ, tao rước mày về cái nhà này, chứ không phải con giun cái kiến nó tha mày về mà mày không biết lớn biết bé, đi không thưa về không gửi."
"Mẹ ngủ ngáy o o, đấm bảy ngày chả hự, con thưa gửi kiểu gì? Mà con đi bừa chứ đi đâu mà thưa với gửi, mẹ bớt bớt cái tính cổ hủ đi."
"A, tao cổ hủ, mày chê bà già này cổ hủ, để tao gọi chồng mày về xem nó có cho mày một trận không, mày dám chê mẹ nó à?!"
"Mẹ đi mà gọi, con chả ngán. Mẹ chửi xong rồi thì ra ăn bánh quấn đi không nguội."
"Tao không ăn."
"Không ăn tận trưa mới có cơm đấy, lát bọn trẻ về nó ăn hết lại chả kêu. Bà Tư bún làm riêng cho mẹ đấy."
"Hừ, cái con mụ Tư bún chỉ khéo mồm, bán thì đắt, mày chỉ khéo vẽ vời tốn tiền."
"Thế mẹ có ăn không?"
"Chả ăn thì sao?"
"..."
Tôi cười nuốt cả kem đánh răng.
Cả làng tôi đều biết bà cụ Thao là địa chủ hết thời, ai cũng sợ cụ. Ngày cụ còn trẻ còn khỏe, đanh đá nhất làng, chẳng ai dám động đến cụ. Thế mà không hiểu sao cô Tin chịu được những gần hai mươi năm. Nghe đâu ngày cô Tin mới về làm dâu, làm bà cụ tăng huyết áp mấy lần, cụ còn dọa thắt cổ tự tử.
Thế là cô cắt ngay cái màn tuyn, nối thành cái dây dài treo thòng lòng từ nóc nhà xuống, rồi bảo cụ leo lên. Cụ tức quá chửi ầm lên, nói cô muốn giết cụ. Cô phì cười bảo là cụ tự muốn chết, nếu không muốn chết thì xuống bếp ăn cháo cá đi không nguội nó tanh. Cụ chọn cháo cá.
Vừa ăn vừa hừ, hừ, hừ
Chú Tự đi làm xây dựng mãi dưới Quảng Ninh, một năm chẳng về được mấy lần. Bà cụ tuổi già hay ốm, hay nũng, hay giận. Chỉ có cô Tin mới trị được cụ. Mỗi lần hàng xóm nói cô khổ, vớ được mẹ chồng ghê gớm, cô cười hi ha, "người già với trẻ con là một, dỗ dành một tí là ngoan như bống ấy mà." Ban đầu mọi người nghĩ cô khôn khéo ý tứ, cho là cô ba phải, sau rồi phát hiện ra cô chẳng bao giờ đi nói xấu mẹ chồng ở bất cứ đâu. Thành ra mỗi ngày thấy mẹ con cô "hát tuồng", ai cũng dỏng tai lên nghe rồi đem đi buôn bán trong những vụ dưa lê ngoài ruộng. Mà bà cụ gắt gỏng là thế, nhưng đi đâu cũng một câu con Tin nhà tôi, hai câu con Tin nhà tôi. Sau hàng xóm cũng quen, lại nghĩ chắc cô Tin và bà cụ kiếp trước là nghiệt duyên, kiếp này phải trả nợ, cả đời dính vào nhau.