Sau nhiều lần bị mẹ chồng đổ oan, hôm ấy tôi quyết định sẽ lật tẩy tất cả lời nói dối của bà.
- Mỗi khi các anh chị phía nhà chồng đến chơi, họ đều làm một việc vô duyên khiến tôi tức anh ách nhưng chẳng dám ngăn cản
- Mẹ chồng hùa với "giặc bên Ngô" chuyện tôi mãi không sinh đứa nữa, tôi lẳng lặng đem ra 1 tờ giấy khiến hai người họ câm bặt
Bên mâm cơm tối, mẹ chồng vừa lau nước mắt, vừa sụt sịt nói:
- Đấy, ông và các con xem, tôi là mẹ hay là con của nó mà bị đối xử như vậy? Nó không yêu thương gì mẹ chồng thì cũng đành, nhưng coi thường như thế bà già này chịu sao nổi?
Bố chồng, chồng, em chồng đương nhiên ra sức khuyên nhủ mẹ chồng đừng khóc lóc nữa, có gì từ từ kể. Sau đó, bà bắt đầu nức nở về hành động hỗn láo của con dâu mà bà tự nghĩ ra. Gì mà mẹ nấu cho ăn nó còn chê bai, đi làm về chẳng phụ gì, lao ngay vào phòng ôm lấy cái máy tính. Rồi thì là đóng sinh hoạt phí vài đồng như lúc nào cũng lên mặt, tiền của chồng cầm hết nhưng chỉ lo ăn chơi, mua sắm... Tôi không nhớ chính xác từng câu chữ nữa, nhưng điệp khúc ấy lần nào chẳng như nhau, tôi đoán được cả rồi.
Sau khi dỗ cho mẹ chồng nguôi ngoai, bố chồng và chồng bắt đầu quay sang chất vấn tôi. Nhưng dù tôi có nói gì thì sau cùng tôi vẫn bị coi là người có lỗi, bị yêu cầu xin lỗi mẹ, nhắc nhở lần sau phải hiếu thảo, ăn nói lễ phép hơn...
Tôi về làm dâu nhà Vương đã hơn 2 năm nay, chẳng nhiều nhưng cũng đủ để hiểu rõ tính cách mẹ chồng. Bà là người trước mặt chồng, các con thì ngon ngọt, giả bộ hiền lành, tốt bụng nhưng khi chỉ có tôi thì bà quay ngoắt. Chính vì thế, trong bất kì vụ mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu nào thì tôi vẫn luôn là người xấu, còn mẹ chồng luôn đúng.
Đương nhiên, tôi rất bực. Nhưng nhiều lần đủ để tôi hiểu rằng mình mà cứng lại thì chẳng ăn thua, thậm chí còn khiến cả gia đình đánh giá tôi hỗn hào thật. Thế là sau nhiều lần bị mắng oan, tôi học được cách nhẫn nhịn. Mặc cho mẹ chồng nói gì thì ừ, mình cứ xin lỗi cho qua là được. Cứ tưởng như thế sẽ khiến nhà cửa êm ấm, nhưng không...
Mẹ chồng tôi đúng là được voi đòi tiên. Sau khi giao mọi việc nấu nướng, cơm nước cho tôi - 1 bà bầu 5 tháng thì lại bắt đầu hoạnh họe chuyện tiền bạc. Bà bảo rằng tôi tiêu hoang. Lý do thì cũng vì tôi mua 2 hộp sữa bầu tiền triệu, còn sinh hoạt phí thì chỉ gửi 4 triệu/tháng cho ông bà. Mẹ chồng muốn tôi tăng lên, song tôi chối khéo do lương của Vương năm nay dịch bệnh bị giảm đáng kể.
Mẹ chồng lại không tin vào lời tôi, đích thân đi hỏi con trai xong mới tạm nguôi. Thế nhưng chỉ ít ngày sau, bà lại tìm tôi và đề nghị tôi tự bỏ tiền lương của mình ra để thêm với ông bà. Bà đưa ra lý lẽ rằng tôi là vợ, phải có trách nhiệm chia sẻ với chồng. Giờ hai chúng tôi ăn, ở, điện, nước ông bà chi trả hết mà đóng có 4 triệu là không hợp lý. Sau cùng, tôi thương lượng lên 5 triệu.
Nhưng đỉnh điểm để dẫn tới xích mích hôm gần đây là tôi cho mẹ ruột 5 triệu để đi ra Hà Nội khám bệnh, mẹ chồng tình cờ nghe được cuộc điện thoại ấy. Thế rồi bà cũng hỏi vay tôi 20 triệu để mua bộ bàn ghế mới. Tôi hơi choáng, cũng hỏi lại:
- Mẹ ơi, bộ bàn ghế nhà mình còn mới mà... Sao lại phải đổi ạ?
- Cũ rồi con ơi, sắp Tết rồi mẹ muốn mua mới.
- Nhưng chúng con làm gì có ạ. Sổ tiết kiệm 30 triệu của con chưa tới hạn, hơn nữa đó cũng là tiền để dành để con đi đẻ mẹ ạ.
- Ôi dào, mẹ hỏi vay chứ có bảo con cho đâu? Dâu nhà người ta lương cao sắm sửa cho bố mẹ chồng TV, tủ lạnh đầy ra ấy. Giờ mẹ hỏi vay con thôi mà đã giãy nảy lên rồi.
- Nhưng con không có thật mẹ ạ. Lương của anh Vương mấy tháng nay chắc đủ đổ xăng, chi tiêu toàn con chi trả mà.
- Không có thế mà hôm rồi cho mẹ đẻ 5 triệu chẳng nghĩ ngợi gì?
Tôi hiểu ra mấu chốt của vấn đề. Chỉ nhẹ nhàng bảo thêm:
- 2 năm trời đi lấy chồng ngoại trừ ngày Tết thì đây là lần đầu tiên con cho mẹ đẻ tiền, quà lại càng không. Còn mẹ, ngày lễ con có bao giờ quên biếu tiền, tặng quà đâu? Mẹ con cũng là đi khám bệnh con mới biếu, chứ bà đâu có thiếu mà phải trông chờ vào 5 triệu của con.
Chẳng ngờ vì câu nói này mà mẹ chồng lại ghim, tối đó khóc lóc nói tôi hỗn, cãi chem chẻm.
"Nó trèo lên đầu lên cổ tôi rồi, nấu cơm cho nó ăn mà nó còn bảo không ngon. Tôi hỏi vay nó tiền để đi khám mà nó bảo tôi giả ốm, hay vòi vĩnh. Rồi gì mà tôi nhà lính mà tính nhà quan, hay đòi hỏi, thích thì đi mà đòi con út. Ông thấy đấy, con dâu mà nói mẹ chồng như thế có coi được không?" - mẹ chồng nức nở kể.
Tuy nhiên, tôi thừa hiểu tính cách của mẹ chồng, nên đã ghi âm lại cuộc hội thoại của 2 mẹ con. Buổi tối hôm đó sau khi mẹ chồng ngưng khóc, tới đoạn bố chồng quay sang nhắc nhở thì tôi xin ngắt lời:
- Con xin phép có ý kiến trước ạ. Mọi người cứ nghe đoạn ghi âm này đi thì sẽ rõ con có nói những lời đó không...
Nhưng tôi vừa mở máy thì mẹ chồng lại lao tới giật điện thoại bảo không cần, mọi thứ có thể xí xóa. Song tôi vì ấm ức mà bật khóc đáp lại:
- Con không sai, không cần ai phải xí xóa. Con chỉ muốn cả nhà hiểu rằng bấy lâu nay con chưa 1 lần hỗn hào, cứ bị mang tiếng xấu thế con hết chịu nổi rồi. Con cũng đang bầu bí, cũng stress, cũng mệt mỏi lắm chứ, sao không ai chịu hiểu và thông cảm cho con, sao mọi người chỉ tìm cách gây khó dễ cho con vậy?
Tới nước này, ai cũng hiểu mười mươi. Đặc biệt Vương lúc này mới tin lời tôi rằng mẹ chồng đang đóng kịch bấy lâu nay để đổ mọi tội lỗi lên đầu tôi.
Về phần mọi người sau hôm đó cũng áy náy với tôi nên đối xử nhẹ nhàng hơn, tôi thấy mình ngốc ghê, đáng lẽ ra nên giải quyết gọn lẹ vấn đề này từ sớm có phải đỡ mệt mỏi rồi không!