Khó ngủ hay mất ngủ chắc chắn là vấn đề cần lưu tâm nhưng ngủ quá nhanh cũng không phải tốt bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh tật.
Ngủ ngay sau khi nằm xuống được coi là bình thường đối với một số người, đặc biệt nếu họ có thói quen ngủ tối ưu và lịch trình ngủ đều đặn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố khác có thể góp phần khiến con người chìm vào giấc ngủ nhanh hơn, chẳng hạn như thiếu ngủ, buồn ngủ ban ngày quá mức hoặc các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Bác sĩ Shao Yuhao (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết: “Có nhiều nghiên cứu chỉ ra nếu một người ngủ ngay trong vài giây sau khi nằm xuống có thể là dấu hiệu của những đề sức khỏe tiềm ẩn. Ở mức độ nhẹ, đó có thể là do bạn quá mệt mỏi, căng thẳng cả ngày hoặc thiếu ngủ trầm trọng. Cũng có thể là do tác dụng phụ của một số loại thuốc, thực phẩm. Tình trạng này thường chỉ nhất thời và sẽ biến mất khi điều chỉnh lối sống hay dừng thuốc.
Với trường hợp nặng, đây có thể là dấu hiệu bệnh lý, thường là bệnh mạn tính. Lúc này, tình trạng đi vào giấc ngủ quá nhanh sẽ kéo dài. Có thể đi kèm với việc dễ ngủ nhưng khó thức dậy, không khó thức dậy nhưng ngủ nhiều vẫn mệt khi dậy, luôn có cảm giác buồn ngủ trong cả ngày dài”.
Trong đó, bác sĩ Shao chỉ ra 4 căn bệnh phổ biến thường ẩn nấp sau tình trạng vừa nằm xuống đã đi vào giấc ngủ ngay.
Bệnh tim mạch
Nghiên cứu về tim mạch cho thấy khoảng 6-7% số người mắc bệnh tim mạch có "chất lượng giấc ngủ kém" hoặc "thời gian ngủ ngắn". Những người mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là suy tim, có thể cảm thấy rất mệt mỏi và dễ chìm vào giấc ngủ ngay khi nằm xuống. Điều này xảy ra vì cơ thể cần "nghỉ ngơi" để bù đắp sự mệt mỏi do tim không thể cung cấp đủ oxy cho các cơ quan và mô trong cơ thể. Đặc biệt là ở trạng thái nằm xuống và ban đêm khi máu đặc hơn.
Khi chất lượng giấc ngủ kém, ngủ thiếp đi trong vài giây từ khi đặt lưng xuống giường hoặc ngủ quá ngắn có thể gây ra bệnh, dẫn đến các triệu chứng như huyết áp dao động quá mức, viêm thành mạch máu, thậm chí dẫn đến các bệnh như lão hóa và tắc nghẽn mạch máu. Chuỗi bệnh này sẽ dẫn đến khả năng đột quỵ cao.
Bệnh tiểu đường
Tiểu đường, đặc biệt là khi chưa được kiểm soát tốt có thể làm thay đổi chu kỳ giấc ngủ. Mức đường huyết cao hoặc thấp đột ngột có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi cực độ và dẫn đến việc ngủ ngay lập tức. Tuy nhiên, giấc ngủ này thường không sâu và dễ bị gián đoạn.
Chứng ngưng thở khi ngủ
Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea) có thể cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ ngay sau khi nằm xuống do thiếu oxy trong suốt đêm. Họ thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, dù đã ngủ đủ giờ vì giấc ngủ của họ bị gián đoạn liên tục do ngưng thở khi ngủ.
Căng thẳng tâm lý và trầm cảm
Khi đối mặt với stress hoặc trầm cảm, cơ thể có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi sâu sắc và muốn ngủ ngay lập tức như một cách để "thoát khỏi" những lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên, giấc ngủ này có thể không chất lượng và thiếu sự phục hồi thật sự cho cơ thể. Người bị trầm cảm có thể bị mất ngủ hoặc lúc nào cũng chán nản, buồn ngủ quá độ, rất nhanh rơi vào giấc ngủ khi nằm trong không gian thoải mái, tùy theo từng trường hợp bệnh trạng.
Bác sĩ Shao nhấn mạnh rằng những điều kể trên không có nghĩa là những người đi vào giấc ngủ dễ dàng, rất nhanh là có bệnh. Các bệnh lý cũng không có dấu hiệu đơn lẻ như vậy, mà còn nhiều bất thường khác. Vì vậy, tốt nhất là nên thăm khám sức khỏe định kỳ, tới bệnh viện ngay khi có thay đổi bất thường dù nhỏ từ cơ thể.