Virus H5N1 cảnh báo 'viêm phổi nặng', độc lực cao lên đến 60%

Sức khỏe 26/02/2023 06:42

Mới đây, y tế quốc tế bước đầu ghi nhận 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm A (H5N1) độc lực cao tại tỉnh Prey Veng, Campuchia.

Theo Báo Phụ Nữ Việt Nam, thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm A (H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A(H5N1) gây ra. Virus này có độc lực cao, có khả năng lây từ gia cầm sang người, với tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.

Ngày 8/2, Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có nhận định về tình hình dịch bệnh cúm H5N1 trên thế giới. Tuy đánh giá mức độ rủi ro của dịch bệnh này đối với con người là thấp, WHO khuyến cáo không chủ quan và cần chuẩn bị các tình huống xấu có thể xảy ra.

Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 24/2, Giám đốc quản lý công tác ứng phó dịch bệnh của WHO - Tiến sĩ Sylvie Briand, cho biết WHO đang xem xét đánh giá nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người trên toàn cầu. H5N1 là một phân nhóm virus cúm A (Influenza A virus), thường xuất hiện ở chim và gia cầm.

Virus H5N1 cảnh báo 'viêm phổi nặng', độc lực cao lên đến 60%  - Ảnh 1
Cảnh báo bệnh tình do virus. Ảnh: Internet

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, H5N1 thường lây lan ở các loài chim sống dưới nước như vịt, bồ nông và thiên nga. Tuy nhiên, virus cũng có thể ảnh hưởng đến gia cầm như gà, ngan, ngỗng và các loại động vật khác, kể cả con người.

Vật chủ chính của virus H5N1 là các loại chim hoang dã và các loại gia cầm như vịt, gà, ngan, ngỗng, gà tây... Bệnh có thể lây từ gia cầm sang người theo những con đường sau:

- Tiếp xúc với phân của chim hoặc phân của các loại gia cầm đã bị nhiễm bệnh.

- Tiếp xúc với dịch tiết ở mũi, miệng hay mắt của chim hoặc các loại gia cầm nhiễm bệnh.

- Ăn thịt hoặc trứng chưa được nấu chín hoàn toàn từ chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh.

Các khu chợ, địa điểm bán chim, gia cầm, trứng chim và trứng gia cầm chính là nơi dễ gây lây nhiễm truyền bệnh sang cộng đồng. Sự bùng phát dịch rất có thể là do chưa đảm bảo khâu xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh.

Virus H5N1 cảnh báo 'viêm phổi nặng', độc lực cao lên đến 60%  - Ảnh 2
Bệnh cúm H5N1 có độc lực cao. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Thông tin trên VnExpress, ngày 24/2, Viện Pasteur TP HCM cảnh báo 20 tỉnh thành phía Nam cảnh giác với cúm A/H5N1, tăng cường giám sát viêm phổi nặng do virus.

TS. BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, đề nghị các địa phương giám sát phát hiện trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả cơ sở y tế. Đặc biệt chú ý trường hợp có tiền sử dịch tễ từ vùng dịch, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng có dịch cúm gia cầm H5N1; phối hợp đơn vị kiểm dịch động thực vật trong nước giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khầu và qua đường mòn lối mở.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh các tỉnh thành phối hợp Chi cục chăn nuôi và thú y phát hiện sớm ổ dịch cúm gia cầm, xử lý kịp thời ổ dịch.

Viện Pasteur cũng khuyến cáo giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch cúm và viêm đường hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và cơ sở y tế để xử lý kịp thời, hạn chế lây lan ra diện rộng. Lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Người dân không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang... để phòng chống bệnh.

 

Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) ghi nhận từ đầu năm ngoái, dịch cúm gia cầm đã tàn phá các trang trại trên khắp thế giới, khiến hơn 200 triệu gia cầm chết vì virus hoặc bị tiêu hủy hàng loạt.

Người đàn ông nguy kịch do ăn nhầm loại quả làm thuốc trừ sâu: Nhận diện loại quả này như thế nào?

Vì bề ngoài rất giống quả mề gà, hạt dẻ, người đàn ông sau khi ăn nhầm đã bị khó thở, không tỉnh táo, nhập viện trong tình trạng suy đa tạng.

TIN MỚI NHẤT