Trúng gió và đột quỵ não đều xảy ra đột ngột và dễ gây nhầm lẫn cho những người xung quanh, nếu không có cách xử lý kịp thời và đúng cách có thể gây ra nguy hiểm.
- Mối liên quan giữa ma túy và đột quỵ não, đặc biệt là xuất huyết não
- Thầy hiệu trưởng ở Đồng Tháp đột quỵ tử vong tại lễ khai giảng: 5 dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý và xử trí ngay
Trong thời tiết giao mùa, khi nhiệt độ môi trường thay đổi, đặc biệt khi bước vào mùa thu đông, gió lạnh cùng nắng mưa thất thường dễ khiến cho nhiều người có cảm giác mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, thậm chí tê bì, liệt mặt… Dân gian gọi là trúng gió hay cảm lạnh(theo cách gọi của Tây y).
Những triệu chứng này tương đối giống với các biểu hiện ban đầu của đột quỵ não – một bệnh lý thần kinh nguy hiểm, có thể gây tàn phể hoặc tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trúng gió và đột quỵ não đều xảy ra đột ngột và dễ gây nhầm lẫn.
Tuy nhiên, hai bệnh lý này lại có cách xử lý ban đầu hoàn toàn khác nhau. Nhiều trường hợp đột quỵ não nhưng bị hiểu lầm là trúng gió và gây chậm trễ, sai lầm trong xử trí ban đầu Do vậy, việc nhận diện được hai tình trạng này và đưa ra cách xử lý ban đầu phù hợp sẽ giúp hạn chế được những biến chứng về sau cho người bệnh.
Xử trí ban đầu
1. Với người đột quỵ não
Nên
- Cho người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, kê đầu cao 30 độ, nghiêng về một bên
- Nếu người bệnh tỉnh táo, nhanh chóng ghi lại thời gian khởi phát và thuốc men đang dùng nếu có; gọi xe cấp cứu hoặc phối hợp người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viên có trung tâm đột quỵ gần nhất
- Chú ý vận chuyển người bệnh bằng xe có giường nằm hoặc tối thiểu là xe taxi để cho bệnh nhân nằm
- Nếu người bệnh bất tỉnh, không có nhịp tim, không có nhịp thở cần tiến hành ép tim và gọi hỗ trợ ngay lập tức.
Không nên
- Không tự ý cho người bệnh uống thuốc hoặc ăn uống bất cứ loại gì.
- Không xoa dầu nóng, cạo gió hoặc chích máu đầu ngón tay.
- Không di chuyển người bệnh bằng xe máy do việc dựng người bệnh ngồi dậy, rung lắc trong lúc đi xe có thể làm huyết áp tăng vọt và chân bị liệt cọ xuống đường gây chấn thương.
2. Với người trúng gió
Nên
- Cho người bệnh nằm ở nơi kín gió, đắp chăn ấm, nằm đầu thấp hơn chân để máu dần về não và nghiêng đầu về một bên.
- Xoa dầu nóng vào lòng bàn tay, bàn chân, hai thái dương và vùng cổ, vai.
- Làm ấm cơ thể bằng cách cho uống nước gừng tươi giã nát hoặc cháo hành, cháo tía tô.
- Cạo gió, giác hơi hoặc bấm huyệt nhân trung nếu có kinh nghiệm.
- Uống thuốc hạ sốt, giảm đau, chống dị ứng… nếu cần.
- Trường hợp người bệnh vẫn mệt mỏi, chậm chạp sau khi đã xử lý thì cho nhập viện.
Không nên
Đối với người bị tăng huyết áp hoặc phụ nữ có thai, không nên cạo gió hoặc giác hơi.
Đột quỵ não mặc dù không hoàn toàn do thay đổi thời tiết gây ra, tuy nhiên nhiều thống kê cho thấy, khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh.
Do vậy để phòng tránh gặp hai tình trạng bệnh lý này vào thời điểm giao mùa cần:
- Giữ ấm cơ thể vào mùa đông, đặc biệt là vùng đầu cổ, tránh đi ra ngoài lúc sáng sớm hoặc đêm lạnh.
- Vào buổi sáng sớm, sau khi ngủ dậy, cần nằm nghỉ ngơi vài phút, có thể tập vài động tác tay chân tại chỗ trước khi ra khỏi giường.
- Tránh tắm quá khuya, tắm sau khi uống rượu. Sau khi tắm cần lau khô người để tránh bị nhiễm lạnh.
- Tăng cường bổ sung khoáng chất, vitamin, các chất dinh dưỡng và tập luyện cơ thể phù hợp để tăng sức đề kháng.
BS Phạm Thị Hằng