Trước việc gia tăng số người bị chó, mèo cắn, thậm chí có trường hợp tử vong, bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo người dân không được chủ quan với bệnh dại.
- Dấu hiệu cảnh báo phổi đang suy yếu
- Gặp nạn vì tắc dị vật ống tiêu hóa: Người cao tuổi nên làm gì để tránh?
Gia tăng người bị chó cắn, mắc bệnh dại
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, phòng tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận 99 trường hợp bị cho mèo cắn, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, chiếm tỷ lệ 56%.
Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, có đến 1.365 người dân đến bệnh viện tiêm phòng bệnh dại. Hàng trăm trường hợp phải tiêm vaccine vì bị động vật tấn công trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Cụ thể, có 8 người bị chuột cắn, 55 người bị mèo cào, 496 người bị chó cắn và đã thương, 29 người bị động vật có vú khác cắn phải vào viện tiêm ngừa.
Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cũng cho biết, trong tháng đầu năm nay, các trung tâm tiêm chủng của đơn vị này tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, ghi nhận số lượng người tiêm phòng dại rất cao, tăng gần 300% so với cùng kỳ tháng cuối năm 2022.
Đáng chú ý, tỉnh Lào Cai cũng mới phát đi cảnh báo về một người dân tử vong vì dại. Nạn nhân là cô gái 23 tuổi, từng bị chó nhà cắn 18 tháng trước nhưng không tiêm vaccine hay huyết thanh ngừa dại.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Lào Cai, trong 2 tháng đầu năm, địa phương này ghi nhận hơn 200 trường hợp đi tiêm phòng dại do bị chó, mèo cào, cắn. Đáng chú ý, nhiều động vật sau khi cắn người đã lên cơn dại và chết.
Báo cáo cập nhật của địa phương cho thấy từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 39 ca bệnh dại trên động vật tại 13 tỉnh, thành phố, theo số liệu từ Cục Thú y.
Người mắc bệnh dại đa số sẽ tử vong
Bác sĩ Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, có những trường hợp bệnh nhi vào viện với triệu chứng, biểu hiện của bệnh cảnh khác, các bác sĩ nỗ lực điều trị, cứu chữa một thời gian trẻ mới phát bệnh dại, lúc ấy đành phải trả bé về với gia đình lại càng đáng tiếc.
"Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm nên vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí người ta còn quên mất việc người bệnh từng bị chó cắn!", bác sĩ Hưng cho biết.
Theo bác sĩ Hưng, nhiều người có người thân phát bệnh dại mới hối hận vì đã không đi tiêm phòng bệnh dại ngay khi cho mèo cắn. Họ đều cho rằng, chó mèo cắn "một tí" sẽ không có khả năng bị bệnh dại, chó mèo cắn vẫn khỏe mạnh nên không có bệnh dại.
"Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Nếu tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.
Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật", bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Tuy bệnh dại nguy hiểm nhưng không ít người cho rằng tiêm vaccine phòng bệnh dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh nhân suy giảm trí nhớ, thậm chí giảm tuổi thọ. Chính vì lo sợ điều đó mà nhiều gia đình lựa chọn không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho trẻ khi phát hiện bị chó cắn. Hậu quả là khi trẻ phát cơn dại thì không thể cứu được nữa.
Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cho biết, chỉ có vaccine phòng bệnh dại thế hệ cũ, cách đây mấy chục năm về trước, sản xuất theo công nghệ cũ, độ tinh khiết không cao nên gây ra nhiều tác dụng phụ trong đó có tác dụng phụ ảnh hưởng đến thần kinh... Loại vaccine phòng bệnh dại đó đã được dừng sử dụng vài chục năm trước.
"Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, vaccine phòng bệnh dại thế hệ mới là vaccine vô bào, nhập khẩu từ Pháp, chất lượng vaccine rất tốt và hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng có hại nào ảnh hưởng đến trí não, hệ thần kinh của người được tiêm phòng", bác sĩ Hưng cho biết.
Theo bác sĩ Hưng, chó mang virus bệnh dại không phát điên ngay nên khó có thể nhận biết bằng mắt thường con chó nào có virus dại hay không. Do đó, khi bị chó, mèo cắn, dù chỉ là vết xước to hay nhỏ, bệnh nhân đều cần được tiêm phòng bệnh dại ngay.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời, đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.