Mặt tái khi uống rượu - dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm chớ nên chủ quan

Sức khỏe 17/02/2023 16:11

Rượu uống nhiều hay ít đều ảnh hưởng tới sức khoẻ. Vì vậy, hãy hạn chế uống rượu nếu có thể để bảo vệ chính mình.

Hiện nay, trong dân gian đang tồn tại rất nhiều quan niệm sai lầm khi uống rượu. Rất nhiều người cho rằng người uống rượu mặt tái sẽ uống được nhiều hơn người bị đỏ mặt khi uống rượu.

Theo Ths.BSCKII Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc Trung tâm cai nghiện và điều trị rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, sau khi uống rượu, ethyl alcohol sẽ chuyển hóa thành ethanol rồi chuyển hóa tiếp thành axit acetic, sau đó được đào thải ra ngoài. Người mặt đỏ sau khi uống rượu là do tốc độ phân giải thành ethanol trong máu diễn ra nhanh, khiến ethanol tích tụ làm cho mao mạch phình lên (giãn mạch), xuất hiện tình trạng mặt đỏ. Còn những người uống rượu mà mặt tái đi thì là do tốc độ ethanol phân giải thành axit acetic chậm, làm cho mạch máu co lại, máu cung cấp ít khiến sắc mặt tái đi.

Do vậy, mặt đỏ hay mặt tái khi uống rượu hoàn toàn không liên quan đến tửu lượng. Tuy nhiên, những người uống rượu mà mặt tái đi cần phải đặc biệt lưu ý theo dõi sát vì đây có thể là một trong những dấu hiệu hạ thân nhiệt do ngộ độc rượu gây ra.

Mặt tái khi uống rượu - dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm chớ nên chủ quan - Ảnh 1

Uống rượu mà mặt tái cần cảnh giác nguy cơ ngộ độc, ảnh nguồn: Internet.

Bác sĩ Thuỷ lưu ý đối với những người uống rượu say nên để người say nôn, cho họ uống nước ấm, nước chanh pha đường. Ngoài ra, người thân cũng cần lưu ý giữ ấm cho người uống rượu say để tránh bị trúng gió. Khi người say có những bất thường như li bì, da mặt nhợt nhạt do hạ thân nhiệt cần nhanh chóng đưa tới cơ sở y té gần nhất để được hỗ trợ chăm sóc và giải độc.

Lạm dụng rượu bia có thể gây tổn thương viêm loét dạ dày, xơ gan… Ngoài ra, uống rượu bia còn ảnh hưởng đến rối loạn hành vi và nhận thức gây ra các hành vi gây rối hoặc tai nạn giao thông. Do đó, uống rượu bia nói chung nên được hạn chế, không nên uống rượu bia liên tục trong nhiều ngày.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, rượu ảnh hưởng đến não, gây ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, ảnh hưởng chức năng hô hấp (gây ngừng thở, thở yếu), ảnh hưởng chức năng tim mạch, tụt huyết áp, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt...

Theo chuyên gia, cách tốt nhất để giảm các tác hại của rượu là uống ít rượu nhất có thể. Trong trường hợp phải uống rượu bia thì tốt nhất không sử dụng quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới và 1 đơn vị cồn với nữ giới và không uống quá 5 ngày mỗi tuần. Theo đó, 1 đơn vị cồn tương đương với khoảng 3⁄4 chai hay lon bia có dung tích 330ml (5%), 1 cốc bia hơi 330ml (Bia tùy loại mà có chứa 1 - 12% cồn, thường ở vào khoảng 5%. Các loại bia ít cồn (hay bia không cồn) thường có độ cồn ở mức 0.05 - 1.2%); 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).

Mọi người có thể giảm các tác hại của rượu bằng cách ăn no trước khi uống rượu. Mọi người nên ăn các thực phẩm giàu tinh bột, chất đạm, chất béo vì đây đều là những chất sinh năng lượng cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó, người uống rượu nên ăn nhiều hoa quả, cũng nên uống nhiều nước để nhanh chóng giải rượu, tránh được tình trạng mất nước.

Bác sĩ Nguyên cũng lưu ý rằng người nhà cần quan tâm, lay, gọi khi có thành viên trong gia đình uống say. Đồng thời, người nhà cũng cần chủ động đánh thức, cho người say ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết.

 

Hà Nam: Cô gái 21 tuổi ngộ độc thuốc diệt chuột, hôn mê sâu, co giật mạnh

Khi được mang vào viện, bệnh nhân có các biểu hiện hôn mê sâu, co giật mạnh, chân tay co quắp, nôn mửa.

TIN MỚI NHẤT