Vài ngày trước khi đến bệnh viện thăm khám, nữ bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, phát hiện "vật thể lạ" chui ra khỏi hậu môn và vướng vào quần áo.
- Hàng trăm trẻ ở Bắc Ninh nhiễm sán: Cần xem lại trách nhiệm của Y tế dự phòng
- "Nếu là phụ huynh Bắc Ninh, tôi cũng đưa con đi xét nghiệm sán lợn"
Ngày 20/3, bác sĩ CKII Hồ Ngọc Quý – Trưởng khoa Khám bệnh của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM cho biết mới đây, vì nghi ngờ bị bệnh giun sán, bệnh nhân T.T.L (27 tuổi, ngụ TPHCM) đã gói “vật thể lạ” màu trắng ngà chui ra từ hậu môn và vây vào quần áo của mình đến Viện để nhờ các bác sĩ kiểm tra.
Tại Viện, bệnh nhân T được kiểm tra chức năng thận, qua thăm khám, xem xét, các BS xác nhận “vật thể lạ” mà bệnh nhân mang đến chính là đốt sán. “Chúng tôi đã tiến hành cho bệnh nhân uống thuốc để xổ sán. Sau 3 giờ, bệnh nhân đi ngoài ra một con sán dài 5.2 m, đây là con sán dài nhất từ trước đến nay mà viện ghi nhận”, BS Quý cho biết.
Theo BS Quý, sán dải lợn với sán dải bò trưởng thành có thể dùng mắt thường để phân biệt, còn nếu ở dạng ấu trùng thì phải sử dụng kĩ thuật phân tử mới phân biệt là sán dải bò hay lợn, trường hợp của cô gái này theo các BS nhìn nhận đó là sán dải bò.
Nhìn nhận về nguyên nhân mắc bệnh, BS Quý cho biết nguyên nhân thường gặp là nuốt phải nguồn nước nhiễm bẩn, ăn phải các loại rau sống có trứng sán hoặc dễ gặp nhất là ăn thịt bò, thịt lợn có nang ấu trùng (nang có kích thước giống như hạt gạo nên hay gọi là bò gạo, lợn gạo).
Trong trường hợp này, người nhà của bệnh nhân chung sống chung ngôi nhà, ăn uống chung nên BS Quý cho rằng họ cũng nên đi xét nghiệm. “1 đốt sán rụng ra ngoài có chứa khoảng 50.000- 70.000 trứng sán, chỉ cần vô tình nuốt phải 1 đốt sán thì có nghĩa là ấu trùng sẽ chui vào thành ruột đi xuống dạ dày và bám vào thành ruột, hút chất dinh dưỡng. Mặc khác, dưới đoạn cổ của sán sẽ sinh sản dài dần ra, đến khi đốt sán dài quá sẽ rụng, theo phân ra ngoài hoặc vướng vào quần lót của người bệnh”, BS Quý nói về cơ chế hình thành sán trong cơ thể.
Để tránh bị nhiễm sán, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, thận trọng khi mua các loại thịt, nếu phát hiện những biểu hiện bất thường thì nên tiêu hủy, không nên ăn. Rửa rau sống nhiều lần dưới vòi nước, ngâm bằng nước muối trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, người dân nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trong trường hợp phát hiện ra triệu chứng: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, rơi rớt các đốt sán ra ngoài quần áo thì nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để có hướng xử lí kịp thời.