GD&TĐ - Câu chuyện gây xôn xao dư luận những ngày qua liên quan đến việc hàng trăm trẻ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được xác định dương tính với sán.
- Kết quả xét nghiệm dương tính, có phải đã nhiễm sán lợn?
- Biện pháp phòng bệnh sán lợn gạo như thế nào để hiệu quả nhất?
Người ta tập trung truy xuất nguồn gốc lây nhiễm bệnh, tập trung vào thực phẩm cho bữa ăn bán trú tại trường học mà đang quên mất rằng, sán có rất nhiều con đường để xâm nhập vào cơ thể người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Xét nghiệm sán dương tính chưa đáng lo ngại
Đó là khẳng định của các chuyên gia y tế. Các trường hợp dương tính trong huyết thanh, trong máu vẫn chưa thể khẳng định đang mắc sán. Xét nghiệm máu chỉ là 1 trong những phương pháp góp phần chẩn đoán sán.
Theo PGS.TS.BS. Tôn Nữ Vân Anh - Bệnh viện ĐH Y Dược Huế: "Không thể phủ nhận hậu quả nặng nề do nhiễm sán có thể gây ra đối với người bệnh như: Rối loạn tiêu hoá, thiếu máu, tắc ruột, viêm phổi, thậm chí kén ở não dạng giả u, chậm phát triển tinh thần,…Tuy nhiên, hiện nay việc điều trị nhiễm sán lợn khá đơn giản và dứt điểm trong thời gian ngắn khi được phát hiện sớm".
"Theo phác đồ của Bộ Y tế năm 2004, các trường hợp mới xét nghiệm máu phát hiện dương tính sán chưa phải điều trị. Chỉ định điều trị chỉ áp dụng khi xác định nhiễm sán trưởng thành với biểu hiện đi ngoài, có đốt sán trong phân hay các trường hợp nhiễm ấu trùng sán có biểu hiện nổi mụn hạch và các biểu hiện khác", PGS.TS.BS. Tôn Nữ Vân Anh nhấn mạnh.
Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn mắc bệnh chưa được nấu chín.
Hiện điều trị sán dễ dàng, thuốc không đắt. Với sán trưởng thành chỉ cần 1 liều, với người nhiễm ấu trùng sán, phác đồ kéo dài hơn nhưng đều có thuốc điều trị đặc hiệu.
Những ngày qua, có nhiều trẻ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được gia đình đưa đến các bệnh viện tai Hà Nội để khám xác định bệnh ấu trùng sán lợn.
Các bác sỹ đã và đang tích cực khám chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và tiến hành các phân tích để có chẩn đoán chính xác nhất và sớm đưa ra kết luận cuối cùng.
Việc chẩn đoán hiện tại có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.
Trách nhiệm của Y tế dự phòng
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): "Ở Việt Nam, bệnh sán xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo báo cáo của các cơ sở điều trị, đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.
Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75o C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút".
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh;
Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn);
Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông;
Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi
Theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong: Để phòng tránh giun sán, cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cần thiết, không chỉ thực hiện trong trường học mà cả ở cộng đồng. Trong đó nghiêm túc thực hiện vệ sinh rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống chín, là những biện pháp dễ làm để phòng các bệnh kí sinh trùng đường ruột trong đó có giun sán.
Như vậy, qua sự việc trên cho thấy, việc người dân ồ ạt đi xét nghiệm sán khi mới nghe thông tin về thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn an toàn là việc làm thể hiện thiếu kiến thức về bệnh này.
Bên cạnh đó, việc tập trung "đổ lỗi" cho bếp ăn bán trú tại trường học mà quên không quan tâm đến các nguồn lây nhiễm thường xuyên, nguy cơ cao khác như vệ sinh cá nhân, ăn uống tại gia đình, nguồn nước,... cũng là hậu quả của nhận thức và thiếu thông tin về y tế dự phòng của một bộ phận người dân.
Liệu các gia đình đã thực sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ con em mình khỏi các nguồn lây nhiễm sán phổ biến hay chưa? Các gia đình đã thực hiện ăn chín, uống chín? Liệu đã thực hiện tẩy giun sán theo định kỳ cho trẻ và cả gia đình hay chưa?... Và Y tế dự phòng địa phương đã thực sự làm hết trách nhiệm của mình khi để xảy ra trên địa bàn một sự kiện y tế gây rúng động dư luận?
Hiện tỉ lệ nhiễm sán ở Thuận Thành (Bắc Ninh) đang ở mức 11,9% - là một trong những địa phương có tỉ lệ nhiễm sán cao chứ không phải bất thường.
Qua điều tra dịch tễ, cách đây vài năm Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ từng phát hiện, tại 1 huyện có tỉ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ lên tới 26% do hay ăn gỏi cá. Khi đó xét nghiệm 1g phân phát hiện 10.000 trứng sán, thậm chí có trường hợp 30.000 trứng. - Cục trưởng ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết.