Nhiều người cho rằng đồ ngọt là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, có một loại thực phẩm quen thuộc khác làm tăng 44% nguy cơ tiểu đường.
- Chìa khóa để điều trị bệnh tiền tiểu đường là giảm mỡ bụng hơn là giảm trọng lượng cơ thể
- Ngủ dậy nên làm 5 việc để đường huyết được ổn định, phòng ngừa biến chứng tiểu đường
Theo nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng thuộc khoa Y LKS của Đại học Hồng Kông (HKUMed - Trung Quốc) trên 4,4 triệu người, một trong những “thủ phạm” gây bệnh tiểu đường và tim mạch là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của nhiều gia đình.
Hầu hết mọi người cho rằng hạn chế đồ ngọt sẽ giúp bản thân an toàn trước rủi ro tiểu đường, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy tác hại của thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể còn nghiêm trọng hơn.
Thịt đỏ thường gặp nhiều nhất ở thịt bò, thịt cừu, thịt bê và thịt lợn... đôi khi còn thấy cả ở thịt ngựa hoặc thịt trâu. Bên trong thịt đỏ có rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, sắt, kẽm, vitamin B, carnosine, creatine... Thịt đỏ có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau tùy vào đó là thịt của loại động vật nào. Mặc dù chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng nếu ăn không đúng cách thì thịt đỏ lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Theo đó, chỉ cần ăn 50g thịt đỏ và thịt chế biến sẵn mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 26% và nguy cơ mắc tiểu đường type 2 tăng tận 44%.
Trong nhóm người được nghiên cứu, những người phương Tây có nguy cơ cao hơn so với những người dân phương Đông. Điều này xuất phát từ thói quen ăn uống nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn. Trong khi đó, người phương Đông thường có xu hướng ăn nhiều rau quả và ngũ cốc hơn.
Các tác giả cũng lưu ý thêm rằng cho dù trong các bữa ăn không có các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội,... mà chỉ ăn thịt đỏ tươi, thì với mức 100g/ngày, nguy cơ bệnh tim mạch vẫn tăng 11% và nguy cơ tiểu đường type 2 tăng 27%.
Ngoài nguy cơ tim mạch - tiểu đường, Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng cho biết, việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ, nhất là thịt đỏ chế biến sẵn có mối liên quan cao hơn với đột quỵ do thiếu máu cục bộ (tắc nghẽn). Bởi thói quen ăn uống này ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột, tạo ra TMAO (trimethylamine oxit) - chất chuyển hóa của vi khuẩn đường ruột liên quan đến xơ cứng mạch máu.
Ngoài ra, ăn quá nhiều thịt đỏ, nhất là thịt đỏ chế biến sẵn còn là yếu tố nguy cơ của một số bệnh như mỡ máu cao, ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Đây là kết luận của Quỹ phòng chống ung thư quốc tế dựa trên việc tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu về tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn trên các nước và các dân tộc khác nhau. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng phân loại thịt đỏ là chất có thể gây ung thư nhóm 2A, trong khi thịt chế biến sẵn nằm ở nhóm 1.
Thực phẩm thay thế thịt đỏ
Trước những nguy cơ quá lớn về sức khỏe mà thịt đỏ mang lại, các chuyên gia nhấn mạnh cần hạn chế tiêu thụ loại thịt này. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc cắt giảm thịt trong khẩu phần ăn sẽ gây tình trạng thiếu protein gây ảnh hưởng đến sức khỏe cơ bắp và hoạt động của cơ thể.
Để cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn mà không sử dụng quá nhiều thịt đỏ gây hại cho sức khỏe, các gia đình có thể lựa chọn các loại thực phẩm giàu protein thay thế cho thịt.
Nấm
Nấm không chỉ là nguồn cung cấp chất xơ và protein tuyệt vời, mà chúng còn được chứng minh là giúp chống lại chứng viêm trong cơ thể. Đây là một trong những lựa chọn thay thế thịt có nguồn gốc thực vật hàng đầu nhờ những lợi ích về sức khỏe cũng như hương vị của chúng mang đến.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ăn nấm thay vì thịt báo cáo cảm giác no lâu hơn, ít đói hơn và thậm chí ít ăn vặt.
Đậu phụ
100 gam đậu phụ chứa 10,13 gam protein, nhưng đó không phải là tất cả những gì đậu phụ cung cấp. Nó cũng được biết là hỗ trợ sức khỏe của xương, sức khỏe làn da và thậm chí làm giảm các triệu chứng ở phụ nữ mãn kinh. Ngoài ra, đậu phụ có liên quan đến việc cải thiện chức năng nhận thức ở phụ nữ trên 65 tuổi.
Cà tím
Khi nghĩ về món chay thay thế thịt, loại thực phẩm được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng là cà tím. Cà tím có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và chứa ít calo. Đây cũng là loại thực phẩm được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.
Quả óc chó
Giàu axit béo omega-3, chất xơ, chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa, quả óc chó là một bổ sung tuyệt vời cho danh sách các loại thực phẩm thay thế thịt hoàn toàn từ thực vật. Chúng được biết là hỗ trợ sức khỏe đường ruột và thậm chí là quản lý cân nặng lành mạnh.
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Nutrients chỉ ra rằng ăn quả óc chó có liên quan đến việc gia tăng vi khuẩn có lợi trong đường ruột.