Đối tượng nào nằm trong nhóm nguy cơ rất cao khi mắc COVID-19?

Sức khỏe 01/08/2021 17:33

Ngày 31/7, Bộ Y tế ban hành tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và chia ra làm 4 nhóm gồm nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, dịch Covid-19 đang bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Bất kỳ nền y tế nào cũng phải chuẩn bị đối mặt với sự gia tăng số lượng người nhiễm SARS-CoV-2.

Việc phân loại nguy cơ tốt sẽ giúp hệ thống y tế tránh áp lực quá tải, lúng túng trong điều trị. Bên cạnh đó, việc phân loại đúng sẽ giúp xác định được các nhóm người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ khác nhau, từ đó giúp xác định đúng nhu cầu điều trị, chăm sóc và hỗ trợ cho từng đối tượng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời tiết kiệm nguồn lực của ngành y tế và xã hội.

“Việc xây dựng tiêu chí phân loại nguy cơ và hướng dẫn xử trí ban đầu là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay” – Bộ Y tế đánh giá.

Đánh giá nguy cơ của người nhiễm SARS-CoV-2 để xác định chính xác nhu cầu điều trị, trên cơ sở đó bố trí hợp lý người nhiễm SARS-CoV-2 vào các cơ sở điều trị phù hợp nhằm hướng tới sự hài lòng của người nhiễm SARS-CoV-2, tối ưu hóa nguồn lực và duy trì hoạt động phòng chống dịch hiệu quả.

Đối tượng nào nằm trong nhóm nguy cơ rất cao khi mắc COVID-19? - Ảnh 1Bộ Y tế ban hành tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2

Theo tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm được chia làm 4 loại tương ứng với từng màu khác nhau. Cụ thể, màu xanh là mức nguy cơ thấp, màu vàng là nguy cơ trung bình, màu cam là nguy cơ cao và màu đỏ và nguy cơ rất cao.

Nhóm nguy cơ rất cao: Những người từ 65 tuổi trở lên và mắc một trong các bệnh lý nền; Người bệnh trong độ tuổi bất kỳ đang trong tình trạng cấp cứu; người có SpO2 từ 92% trở xuống; người bệnh đang có tình trạng: Thở máy, đang có ống mở khí quản, liệt tứ chi, đang điều trị hóa xạ trị.

Nhóm này chỉ định nhập viện ngay đến bệnh viện thuộc "tầng 3 của tháp điều trị", các bệnh viện điều trị Covid-19 nặng. Xử trí tình trạng cấp cứu trước, trong và sau khi vận chuyển đến bệnh viện.

Tình trạng cấp cứu gồm: Rối loạn ý thức; khó thở, thở nhanh > 25 lần/phút hoặc SpO2 < 94%; nhịp tim nhanh > 120 nhịp/phút; huyết áp tụt, huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg; hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường khác mà nhân viên y tế chỉ định xử trí cấp cứu.

Nhóm nguy cơ cao: Những người tuổi từ 65 tuổi trở lên và không mắc bệnh lý nền; Phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới 5 tuổi, người có SpO2 từ 93% đến 94%.

Nhóm này chỉ định nhập viện càng sớm càng tốt, chuyển đến bệnh viện thuộc "tầng 3 của tháp điều trị", các bệnh viện điều trị Covid-19 nặng. Hướng dẫn người nhiễm SARS-CoV-2 liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu. Đánh giá lại mức độ nguy cơ hằng ngày, chuyển màu/mức nguy cơ phù hợp.

Nhóm nguy cơ trung bình: Những người tuổi từ 46 - 64 tuổi và không mắc bất kỳ bệnh lý nền. Người có sức khỏe có dấu hiệu bất thường như sốt (từ 37,5 độ C trở lên), ho, đau họng, rát họng, đau ngực...; người có SpO2 từ 95% đến 96%; hoặc người tuổi dưới 45 tuổi và mắc một trong các bệnh lý nền.

Nhóm này cần chuyển vào cơ sở thuộc "tầng 2 của tháp điều trị", các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị người bệnh Covid-19. Trong thời gian chờ nhập viện, yêu cầu người nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ; hướng dẫn liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu như rối loạn ý thức, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt... Đánh giá lại mức độ nguy cơ hằng ngày, chuyển màu/mức nguy cơ phù hợp.

Nhóm nguy cơ thấp: Là những người dưới 46 tuổi và không mắc bệnh lý nền. Người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin Covid-19 trước ngày xét nghiệm dương tính ít nhất 12 ngày. Người có sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, SpO2 từ 97% trở lên.

Nhóm này được chuyển đến cơ sở thuộc "tầng 1 của tháp điều trị", các cơ sở cách ly người nhiễm F0 tập trung, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 ban đầu. Hoặc chỉ định điều trị ngoại trú tại nơi cư trú được nhân viên y tế, chính quyền địa phương kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện điều trị ngoại trú như biệt thự, nhà riêng, có người theo dõi...).

Yêu cầu người nhiễm tự theo dõi sức khỏe và thông báo tình trạng sức khỏe hằng ngày cho nhân viên y tế địa phương. Hướng dẫn liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu như rối loạn ý thức, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt... Đánh giá lại mức độ nguy cơ hằng ngày, chuyển màu/mức nguy cơ phù hợp.

Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, công tác thu dung và kết quả điều trị, ngành y tế từng địa phương có thể kịp thời điều chỉnh, bổ sung phân loại nguy cơ nếu thấy cần thiết để có biện pháp xử trí người bệnh nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

Mắc bệnh tim mạch, ung thư có nên tiêm vaccine Covid-19?

Nhiều bệnh nhân tim mạch, ung thư thắc mắc việc có nên tiêm vaccine Covid-19 hay không, trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử phản ứng, phản vệ thì xử lý thế nào?

TIN MỚI NHẤT