Mắc bệnh tim mạch, ung thư có nên tiêm vaccine Covid-19?

Sức khỏe 01/08/2021 15:56

Nhiều bệnh nhân tim mạch, ung thư thắc mắc việc có nên tiêm vaccine Covid-19 hay không, trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử phản ứng, phản vệ thì xử lý thế nào?

Lý giải những thắc mắc này Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Viện Tim Mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện không có bằng chứng nào cho thấy bệnh tim mạch chống chỉ định đối với vaccine Covid-19. Nhiều nghiên cứu của Cơ quan quản lý thực phẩm dược phẩm (FDA) Mỹ và Cơ quan quản lý dược (EMA) của châu Âu khuyến cáo tiêm vaccine cho tất cả các bệnh nhân có bệnh nền trên 18 tuổi (bao gồm cả bệnh lý tim mạch); trên 12 tuổi đối với vaccine Pfizer và Moderna.

Các chuyên gia đến từ Hội Tim mạch Mỹ (AHA) đã khuyến khích mọi người tiêm vaccine ngay khi họ có đủ điều kiện, đặc biệt ở người có các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, người mắc bệnh tim hoặc sống sót sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ "vì họ đối diện nguy cơ cao hơn rất nhiều từ virus so với nguy cơ từ vaccine".

Ngoài ra, người có bệnh lý tim mạch cũng là đối tượng dễ trở nặng khi mắc Covid-19. Nghiên cứu từ Hội tim mạch Mỹ (ACC) chỉ ra người bị bệnh tim mạch có tỷ lệ tử vong cao hơn (10,5%) so với người mắc bệnh phổi mạn tính (6,3%). 91% các trường hợp tử vong do Covid-19 ở Anh và xứ Wales là có bệnh nền, trong đó bệnh tim chiếm tỷ lệ nhiều nhất 14%.

Mắc bệnh tim mạch, ung thư có nên tiêm vaccine Covid-19? - Ảnh 1

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Bệnh viện Bạch Mai khuyên bệnh nhân tim mạch nên tiêm vaccine Covid-19

Theo Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, vaccine hiện hành được phê duyệt không chứa virus sống giảm độc lực do vậy không có nguy cơ gây nguy hiểm ở bệnh nhân có hệ thống miễn dịch yếu bao gồm cả những người dùng các thuốc ức chế miễn dịch. Các vaccine này chứa các chất liệu di truyền khi vào trong tế bào kích thích tổng hợp protein gai của virus.

"Chỉ protein gai của virus là vô hại nhưng đủ để nhận diện là vật lạ và kích hoạt phản ứng phòng vệ của hệ miễn dịch, phòng khi virus thực xâm nhập vào cơ thể, do sự ghi nhớ của hệ miễn dịch đem lại đáp ứng mạnh với protein gai để tiêu diệt virus", Bác sĩ Thái giải thích.

Trường hợp bệnh nhân có phản ứng miễn dịch giảm có thể không có đáp ứng mạnh với vaccine và cần các biện pháp bổ trợ khác sau khi tiêm.

Tuy nhiên, trước khi tiêm vaccine, người bệnh tim nên thông báo cho nhân viên y tế nếu họ có tiền sử phản ứng phản vệ nặng và không nên tiêm chủng. Tùy trường hợp cá nhân nếu chỉ dị ứng với các dị nguyên khác (không liên quan đến vaccine) như thuốc uống, hải sản... vẫn có thể tiêm được vaccine nhưng cần theo dõi tại cơ sở y tế 30 phút sau tiêm. Bệnh nhân đang ốm sốt cũng tránh tiêm phòng.

“Theo tôi, đối với những bệnh nhân tim mạch thì nên tiêm vaccine Covid-19, còn đối với những người có tiền sử phản ứng, phản vệ nặng hoặc đang dùng thuốc cần báo với nhân viên y tế để hỗ trợ” – Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho biết.

Tuy nhiên, mọi người sau khi tiêm vaccine cần theo dõi các tác dụng phụ như đau, đỏ hoặc nóng tại vị trí tiêm; mệt, đau đầu, sốt, ớn lạnh, đau cơ và khớp, buồn nôn. Tiêm mũi hai thường có biểu hiện mạnh hơn mũi đầu nhưng thông thường các tác dụng phụ này sẽ mất sau vài ngày.

Một số tác dụng phụ khác cần theo dõi như huyết khối giảm tiểu cầu do vaccine (Astra Zeneca, Janssen) sau tiêm 4 - 28 ngày thường ở phụ nữ tuổi 18 - 59; viêm cơ tim và màng ngoài tim (Pfizer, Moderna) triệu chứng bắt đầu vài ngày sau tiêm mũi hai ở người trẻ và thanh thiếu niên, thường hồi phục sau vài ngày; hội chứng Guillain-Barré (Astra Zeneca, Janssen) gây yếu cơ và các triệu chứng khác trong vòng 6 tuần sau tiêm. Tuy nhiên các biến cố này rất hiếm gặp.

Mắc bệnh tim mạch, ung thư có nên tiêm vaccine Covid-19? - Ảnh 2Những người mắc bệnh ung thư cũng có thể tiêm vaccine Covid-19 trừ ung thư giai đoạn cuối

Còn đối với những người mắc bệnh ung thư cũng có thể tiêm vaccine Covid-19 (trừ ung thư giai đoạn cuối), nhưng cần được tư vấn về sự an toàn của vaccine cũng như khả năng hệ miễn dịch của mình đáp ứng kém hơn với vaccine và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi, phòng khám quốc tế CarePlus cho biết: “Hiện tại, bệnh nhân ung thư có thể được tiêm vaccine, trừ khi có các thành phần trong thuốc gây chống chỉ định chung. Các chuyên gia nhận định rằng vaccine giúp làm giảm nguy cơ có triệu chứng nặng khi nhiễm Covid-19”.

Theo bác sĩ Phương Chi, đối với bệnh nhân đang điều trị ung thư, đến thời điểm hiện tại, thông tin từ các mạng lưới phòng chống ung thư cho thấy không có chống chỉ định tiêm vaccine khi đang điều trị ung thư. Đã có nhiều kinh nghiệm về an toàn tiêm các loại vaccine khác khi bệnh nhân đang điều trị ung thư như hóa trị, điều trị miễn dịch và xạ trị, thường việc tiêm vắc xin được thực hiện giữa các chu kỳ điều trị ung thư để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và đảm bảo hiệu quả của vaccine.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn 9 đối tượng trì hoãn tiêm chủng (đối với vaccine AstraZeneca) gồm: người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19; tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước; người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; người trên 65 tuổi; người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.

Ngoài ra, có 4 đối tượng cần thận trọng tiêm chủng: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút; huyết áp tăng hoặt giảm, nhịp thở trên 25 lần/phút...) phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh. Đặc biệt, chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vaccine.

Người đàn ông bị liệt vĩnh viễn sau một thời gian ăn chay: Bác sĩ nói nguyên nhân chính là kiểu ăn uống triệu người đang mắc

Dù đã ăn chay nhưng tình trạng nhồi máu não của ông Yang vẫn tái phát 3 lần vào năm 2020. Đầu năm 2021, bác sĩ cho biết nhồi máu não để lại di chứng liệt cả đời cho ông Yang.

TIN MỚI NHẤT