Bác sĩ cảnh báo căn bệnh dễ lây lan, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dễ biến chứng nặng trong mùa hè

Sức khỏe 25/08/2023 18:43

Viêm kết mạc có thể xuất hiện từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm do nhiễm virus, vi khuẩn, dị ứng, hóa học... Tuy nhiên trong đó, viêm kết mạc do virus là nguyên nhân thường gặp nhất.

Theo thống kê của Khoa Mắt – Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong 1 tháng gần đây bệnh viện đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong có 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như: Có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân - Phó Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn Mắt Học viện Quân Y cho biết: Dịch viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là dịch đau mắt đỏ) năm nay diễn biến bất thường, số bệnh nhân gặp biến chứng cũng nhiều hơn, xuất hiện giả mạc và tổn thương trên giác mạc.

Viêm kết mạc có thể xuất hiện từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm do nhiễm virus, vi khuẩn, dị ứng, hóa học... Tuy nhiên trong đó, viêm kết mạc do virus là nguyên nhân thường gặp nhất.

Đáng nói, Adenovirus chính là nhóm có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành các đợt dịch trong cộng đồng, tại trường học hoặc tại nhà. Viêm kết mạc do Adenovirus thường nhẹ, có thể tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp có thể gây biến chứng trên giác mạc.

Bác sĩ cảnh báo căn bệnh dễ lây lan, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dễ biến chứng nặng trong mùa hè - Ảnh 1
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân.

Bác sĩ cảnh báo biến chứng từ viêm kết mạc cấp do Adenovirus

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân, viêm kết mạc nói chung là một bệnh tương đối lành tính và có thể tự khỏi, nhiều trường hợp chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, đúng cách là triệu chứng bệnh thuyên giảm.

Tuy nhiên, viêm kết mạc cấp do Adenovirus không có thuốc điều trị đặc hiệu. Mặc dù có một số thuốc kháng virus đã được nghiên cứu, tuy nhiên nó có thể gây ra tác dụng phụ, gây tổn thương mắt. Đáng nói, Adenovirus biến đổi liên tục nên cũng rất khó có vaccine phòng bệnh.

Để điều trị viêm kết mạc cấp do Adenovirus, thông thường bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh để đề phòng nhiễm trùng, có thể kèm theo nước mắt nhân tạo để làm dễ chịu mắt. Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc có corticoid với liều rất thấp. Mục đích là để giảm tính thấm thành mạch, giảm viêm, giảm khó chịu.

Đối với điều trị viêm kết mạc cấp, điều quan trọng nhất là vệ sinh. Đơn giản nhất là nhỏ nước muối, làm sạch mắt và giữ mắt được sạch sẽ, kết hợp với dùng kháng sinh sẽ rút ngắn được thời gian lành bệnh.

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân cho biết thêm: “Biến chứng vào giác mạc là hậu quả đáng lo nhất của viêm kết mạc cấp. Biến chứng có thể do virus (gây viêm kết mạc) gây ra, hoặc do bội nhiễm vi khuẩn vào giác mạc. Nếu có giả mạc mà không bóc và điều trị tích cực thì có thể còn gây ra trợt giác mạc, loét giác mạc và để lại sẹo trên kết mạc”.

Ngoài ra, có một số phân nhóm của Adenovirus có thể gây viêm chấm nông giác mạc, sau đó gây ra viêm giác mạc đốm.

Một biến chứng cần chú ý nữa là nhiễm trùng giác mạc do bội nhiễm. Giả mạc ở mặt trong của mi (kết mạc mi), cọ vào giác mạc sẽ gây trợt xước, ngoài ra do biểu mô giác mạc bị viêm do virus càng dễ bị tổn thương hơn. Nếu người bệnh giữ vệ sinh không tốt sẽ bị bội nhiễm vi khuẩn, hoặc nấm gây nên loét giác mạc do nhiễm trùng nặng. Hậu quả của các trường hợp loét giác mạc này phụ thuộc vào yếu tố, tác nhân gây bệnh, vị trí tổn thương trên giác mạc và mức độ trầm trọng của bệnh.

Bác sĩ cảnh báo căn bệnh dễ lây lan, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dễ biến chứng nặng trong mùa hè - Ảnh 2
Viêm kết mạc cấp do Adenovirus không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Nguy cơ viêm kết mạc do virus là rất hay gặp và dễ lây thành dịch ở trẻ em

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân đặc biệt lưu ý: “Nguy cơ viêm kết mạc do virus là rất hay gặp và dễ lây thành dịch ở trẻ em do trẻ chưa có kháng thể kháng virus.

Có một vấn đề cần chú ý ở trẻ dưới 3 tuổi là việc tra thuốc cho trẻ còn khó khăn. Trẻ đau mắt thường không hợp tác, hoặc khi nhỏ được thuốc thì trẻ khóc làm thuốc trôi đi mất.

Ở những trẻ có giả mạc thường rất đau và nhắm tịt mắt lại, nên ngay cả việc bác sĩ thăm khám cũng gặp khó khăn. Trường hợp này thì khuyến cáo cho gia đình vệ sinh và tra thuốc đúng cách, có thể tra thuốc vào lúc ngủ để trẻ không khóc và thuốc vào mắt tốt hơn”.

Cách chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ bị viêm kết mạc

- Tra thuốc vào các thời điểm trẻ ngủ: Khoảng 5h sáng, giờ ngủ trưa (sau khi ngủ 1 lúc và chuẩn bị ngủ dậy), buổi tối (sau khi ngủ).

- Dùng kháng sinh để phòng bội nhiễm theo lời khuyên của chuyên gia y tế.

- Thường xuyên vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý, dùng bông sạch lấy hết tiết tố ở mắt.

- Ở các trường hợp viêm kết mạc nặng, có biến chứng như viêm kết mạc có giả mạc hoặc biến chứng trên giác mạc phải được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa.

- Trẻ bị đau mắt đỏ phải được cách ly tại nhà, sử dụng đồ vệ sinh cá nhân riêng.

Bác sĩ cảnh báo căn bệnh dễ lây lan, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dễ biến chứng nặng trong mùa hè - Ảnh 3
Nguy cơ viêm kết mạc do virus là rất hay gặp và dễ lây thành dịch ở trẻ em do trẻ chưa có kháng thể kháng virus.

Cách phòng bệnh viêm kết mạc do Adenovirus

- Thường xuyên khử khuẩn, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi đến chỗ đông người.

- Chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý để tăng cường sức đề kháng, chống lại virus xâm nhập.

Sau 50 tuổi, ngủ dậy mà không có 3 “dấu hiệu lạ” này chứng tỏ gan, thận đang khỏe mạnh, sở hữu “thể chất trường thọ”

Sau khi ngủ dậy, nếu bạn không có 3 dấu hiệu này thì chứng tỏ cơ thể bạn đang khỏe mạnh.

TIN MỚI NHẤT