Trong vài trường hợp, những chấm trắng trên da có thể là dấu hiệu của ung thư hắc tố.
- Bệnh ung thư xương: Những dấu hiệu, triệu chứng tưởng 'bình thường thôi' nhưng cực kỳ nguy hiểm đừng chủ quan bỏ qua
- Kinh nguyệt kéo dài có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung, chị em chớ chủ quan
Không chỉ giúp bạn sở hữu ngoại hình đẹp, nước da sáng còn là thước đo sức khỏe của cơ thể. Vì vậy, những biểu hiện khác biệt trên da cần được lưu tâm đặc biệt. Hàng loạt nhân tố như ánh nắng mặt trời, nấm ngứa có thể gây nên hiện tượng mất sắc tố da, như xuất hiện chấm trắng trên da. Dưới đây là một trong số những nguyên nhân gây ra tình trạng xuất hiện những chấm trắng trên da này:
Hàng loạt nhân tố như ánh nắng mặt trời, nấm ngứa có thể gây nên hiện tượng mất sắc tố da.
Dát giảm sắc tố dạng chấm (Idiopathic Guttate Hypomelanosis)
Căn bệnh này gây nên những nốt trắng có kích thước từ 2-5 mm trên da. Chúng thường xuất hiện tại cẳng chân, phần hay tiếp xúc với mặt trời như cổ, mặt và vai. Hiện nay, nguyên nhân gây dát giảm sắc tố dạng chấm vẫn chưa được thống nhất. Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng này thực chất là một dạng tàn nhang trắng hình thành do tổn thương từ ánh mặt mặt trời và lão hóa.
Jessica Weiser, chuyên gia y khoa về da liễu tại New York Dermatology Group cho biết, dát giảm sắc tố dạng chấm là bệnh vô hại và không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng mỹ phẩm, kem dưỡng da hay những phương pháp trị liệu đặc biệt để cải thiện ngoại hình. Bên cạnh đó, bạn cần tránh tiếp xúc với ánh mặt trời thường xuyên.
Vảy phấn trắng
Vảy phấn trắng là hiện tượng vô hại và khá phổ biến ở trẻ em tuổi vị thành niên. Hiện tượng này bắt đầu với sự xuất hiện của những vảy tròn xù xì hình oval màu hồng. Loại vảy này thường lan rộng ở cằm, má và vùng da quanh miệng. Về sau, chúng sẽ mờ đi thành màu xám.
Ngoài ra, vảy phấn trắng còn có thể xuất hiện ở chân, tay hay thậm chí cả thân. Những miếng vảy thường khô, ngứa và sạm màu dưới ánh mặt trời.
Thông thường các sắc tố da sẽ khôi phục và vảy phấn trắng sẽ tự khỏi sau một thời gian nhất định. Tuy vậy, khoảng thời gian này có thể kéo dài trong vài năm và tái phát nhiều lần. Bạn nên sử dụng kem thoa steroid nếu thấy vảy này đỏ hoặc đau. Theo Jeremy Fenton, dược sĩ kiêm chuyên viên y tế tại phòng khám da liễu Schweiger Dermatology - New York, bạn cần dùng kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 30 khi tiếp xúc với tia cực tím.
Dày sừng nang lông
Dày sừng nang lông là một hiện tượng vô hại. Dấu hiệu của bệnh bao gồm các nốt sưng, mảng trắng, đỏ khô ráp xuất hiện trên da. Những nốt này thường được tìm thấy trên ngực, cánh tay và mặt (ở một số trường hợp). Nếu bị kích thích hay làm ngứa, chúng có thể gây đau đớn và tạo thành các vết sẹo.
Dày sừng nang lông bắt nguồn từ sự dư thừa protein (chất sừng) trên da. Luga Podesta, dược sĩ kiêm giám đốc y tế St. Charles Orthopedics tại New York (Mỹ) cho biết, quá nhiều chất này có thể bịt kín các lỗ nhỏ trên làn da, nang lông, hình thành các nốt sưng nhỏ. Bệnh này thường xuất hiện ở những trẻ em tuổi vị thành niên và biến mất khi họ trưởng thành.
Tránh chạm vào vết sưng và không dùng những sản phẩm chăm sóc da nhiều hóa chất là cách bảo vệ làn da khỏi dày sừng nang lông. Ngoài ra, các loại mĩ phẩm dưỡng ẩm cũng có thể giúp ích.
Bạch biến
Bạch biến làm xuất hiện ngẫu nhiên những mảng trắng trên da. Bệnh này bắt nguồn từ sự thiếu hụt melanin, một sắc tố quy định màu da. Dù xuất hiện ngẫu nhiên trên cơ thể, các mảng trắng thường tập trung ở tay, cổ, nếp nhăn trên da, quanh miệng và mắt. Vùng rìa những mảng này có thể dễ dàng bị viêm nhiễm, ngứa ngáy. Eve Espey, giáo sư kiêm trưởng khoa da liễu tại Trường Y thuộc Đại học New Mexico cho biết, bệnh bạch biến có thể xảy ra ở chân tóc và khiến mái tóc đổi thành màu xám hoặc trắng.
Hiện nay, các chuyên gia chưa tìm ra được nguyên nhân gây suy giảm melanin trên da. Họ cho rằng hiện tượng này có thể bắt nguồn từ một loại hóa chất thần kinh. Chất này làm nhiễm độc và phá hủy tế bào tạo ra melanin. Tiếp xúc với ánh mặt trời, phơi nhiễm hóa chất, stress cũng có thể là nguồn gốc gây nên tình trạng này.
Thuốc và liệu pháp chữa bệnh bằng ánh sáng có thể giúp bạn phục hồi sắc tố da. Tuy vậy, các mảng trắng sẽ quay trở lại sau một thời gian một thời gian không điều trị. Bạn nên dùng một lượng lớn kem chống nắng lên trên các mảng này khi tiếp xúc với tia cực tím.
Nấm lang ben
Malassezia là tác nhân gây nên bệnh nấm lang ben. Loại nấm này thường xuất hiện dưới làn da của chúng ta. Những nhân tố như mồ hôi, da nhờn, nắng nóng, hệ thống miễn dịch bị tổn thương có thể dẫn tới sự sinh sôi quá mức của malassezia, dẫn tới bệnh lang ben.
Các nốt trên da thường là dấu hiệu của bệnh lang ben. Chúng hay có màu đen, trắng, vàng cam, hồng, nâu, đỏ. Các nốt này đóng vảy, khô, ngứa và dễ nhận thấy khi làn da bị rám nắng. Những nốt này có thể xuất hiện cùng với các mảng sáng hoặc tối. David Rosenstreich, chuyên gia y khoa kiêm giám đốc phòng chống dị ứng tại Trung tâm Y tế Montefiore tại Bronx, New York chỉ ra, bệnh có thể biến mất trong suốt mùa đông và trở lại vào mùa nóng.
Xơ hóa Lichen
Xơ hóa Lichen là bệnh có thể ảnh hưởng tới hậu môn và bộ phận sinh dục. Đôi khi, bệnh này còn phát triển ở ngực, cánh tay, vai và lưng. Xơ hóa Lichen thường xuất hiện ở phụ nữ, dù đàn ông hay trẻ em cũng có khả năng mắc phải. Dấu hiệu ban đầu của bệnh bao gồm những nốt nhỏ màu trắng trơn nhẵn trên da. Sau đó, chúng phát triển tạo thành các mảng nhăn trên da. Làn da dễ dàng bị tổn thương và xuất hiện các vết thâm tím, sẹo. Những triệu chứng khác bao gồm ngứa, đau, chảy máu và phồng rộp.
Theo Mira Aubuchon, chuyên viên nghiên cứu các vấn đề về da liễu kiêm bác sĩ tại tổ chức sức khỏe Missouri (Mỹ), hệ thống miễn dịch hoặc hormone hoạt động quá mức bình thường có thể đóng vai trò quan trọng gây nên căn bệnh này.
Xơ hóa Lichen có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh này có thể ảnh hưởng tới quá trình tiểu tiện hoặc chuyện chăn gối. Bạn nên sử dụng kem steroid để ngăn ngừa các triệu chứng của xơ hóa lichen. Ngoài ra, phẫu thuật có thể được tiến hành trong một số trường hợp. Những vết sẹo xuất hiện khi mắc bệnh này có thể là dấu hiệu của ung thư da. Vì vậy, bạn cần kiểm tra da thường xuyên sáu tháng một năm nếu thấy bất kì dấu hiệu khác lạ nào.
Dày sừng quang hóa
Dày sừng quang hóa gây nên những mảng sưng tấy, khô ráp nhỏ trên da. Hiện tượng này bắt nguồn từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Christopher McStay, chuyên gia y khoa tại Bệnh viện UCHealth của Đại học Colorado, Mỹ cho biết, các mảng sừng xuất hiện phổ biến ở tay, mặt, ngực và vùng tia cực tím thường chiếu tới. Mới đầu, chúng chỉ là một vùng có nhiều vảy vàng hoặc trắng. Về sau, các vùng này trở nên khô ráp, cứng như mụn cóc. Người cấy ghép nội tạng hay áp dụng các liệu pháp ngăn chặn hệ miễn dịch cũng có khả năng phải đối mặt với bệnh này.
Dày sừng quang hóa có thể là dấu hiệu bệnh ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra, những người mắc bệnh này trong vòng 1 thập kỉ có 10 % tỉ lệ phát triển ung thư. Nếu các mảng này phát triển mạnh, chảy máu hoặc đau, đó có thể là dấu hiệu nguy hiểm.
Hãy đến gặp ngay bác sĩ nếu các nốt này xuất hiện vảy khô ráp. Ngoài ra, bạn nên bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với ánh mặt trời.
Ung thư da
Trong vài trường hợp, mảng trắng trên da có thể là dấu hiệu của ung thư hắc tố. Sherry Ross, nhà dược sĩ học kiêm chuyên viên chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại trung tâm Santa Monica, California cho biết, một trong những dấu hiệu của bệnh này là sự thay đổi hình dáng, kích cỡ hay màu sắc của nốt ruồi. Bạn có thể thấy chúng không cân xứng, màu sắc bất thường. Xuất hiện nốt ruồi mới cũng có thể là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm này. Những hắc tố sẽ xuất hiện và lan rộng trên da.
Phẫu thuật thường là biện pháp điều trị ung thư hắc tố. Ngoài ra, bảo vệ làn da khỏi tia cực tím sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh này.