Virus corona gây viêm phổi cấp đã tới Việt Nam, bác sĩ cảnh báo về nguồn lây bệnh

Sống khỏe 26/01/2020 07:52

Việt Nam chính thức có 2 bệnh nhân dương tính với virus corona đang điều trị tại BV Chợ Rẫy, TP. HCM. Do đó, người dân cần đặc biệt chú ý, khi có những biểu hiện lạ cần đi khám sớm.

Dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona bắt nguồn từ TP Vũ Hán, Trung Quốc

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona khởi phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, được cho là từ chợ hải sản Huanan của TP Vũ Hán.

Ngày 10/1, bệnh nhân đầu tiên ở Trung Quốc tử vong vì viêm phổi cấp. Bệnh nhân có tiền sử bị u ổ bụng và bệnh gan mạn tính.

Từ đó đến ngày 23/1, Trung Quốc ghi nhận 541 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona, trong đó có 17 người tử vong, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.

Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 13 tỉnh, thành phố gồm: Hồ Bắc, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông, Giang Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Vân Nam.

Một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (4 trường hợp), Nhật Bản (1), Hàn Quốc (1), Đài Loan, Trung Quốc (1), Ma Cao, Trung Quốc (1), Hong Kong, Trung Quốc (1), Mỹ (1).

Bệnh nguy hiểm không kém dịch SARS khi lây lan từ người sang người

Coronaviruses (CoV) là một họ các virus có thể gây ra các bệnh lý của đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người và một số loài động vật.

Virus corona thường lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp của người bệnh. Bệnh thường hay xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân.

Ở người, virus corona có thể gây bệnh nhẹ từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV).

Chủng virus mới thuộc họ corona (nCoV) là chủng mới chưa xác định trước đây ở người.

Điều nguy hiểm là bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tiếp xúc gần, hoặc nước bọt. Nếu tiếp xúc với người nhiễm virus corona ở khoảng cách gần, hoặc dính nước bọt của người bệnh bắn vào sẽ lây bệnh.

Virus corona gây viêm phổi cấp đã tới Việt Nam, bác sĩ cảnh báo về nguồn lây bệnh - Ảnh 1

Dịch viêm phổi cấp do virus corona lây từ người sang người.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bản chất của con virus này ban đầu chưa phân lập được thì cho rằng đó là virus lạ, nhưng nó chính là Coronavirus, chính là chủng virus gây ra dịch SARS và MerCov. Vẫn là con virus đó nhưng có những biến chủng khác nhau.

"Bệnh lây qua đường hô hấp, nếu người có virus ho, hắt hơi thì trong vòng 2 mét, nếu người nào hít phải virus đó thì có nguy cơ bị virus xâm nhập vào cơ thể. Đã là bệnh lây qua đường hô hấp thì khả năng lây lan sẽ nhanh.

Tuy nhiên, hiện nay, WHO qua hơn 400 ca ở Trung Quốc thì đã khẳng định bệnh lây từ động vật (chưa rõ con gì), và cũng đã có những bằng chứng rõ ràng của việc lây từ người sang người. Cũng giống như SARS, không chỉ lây lan đối với người dân mà cả cán bộ y tế là những người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân cũng có nguy cơ lây như SARS. 

Nếu chúng ta ngăn chặn được virus Corona, virus sẽ lây lan chậm còn nếu không ngăn chặn được dịch sẽ lây lan rất nhanh, nguy cơ tử vong lớn”.

Chưa có thuốc điều trị dịch bệnh này

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, cho đến hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu điều trị căn bệnh này, vì thế việc điều trị vẫn dựa trên phòng bệnh, phát hiện điều trị triệu chứng và biến chứng.

Ngành Y tế Việt Nam đã và đang rất quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh này xâm nhập vào nước ta. Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức y tế Thế giới WHO cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và các nước, đề ra 3 kịch bản phòng chống (khi chưa có dịch vào Việt Nam, khi xác định có dịch và dịch lây lan trong cộng đồng).

Bộ Y tế phối hợp ngành Hàng không kiểm soát chặt chẽ hành khách tại các sân bay. Tại các sân bay đều có máy kiểm tra thân nhiệt hành khách. Nếu phát hiện khách sốt, sẽ cách ly và chuyển tới cơ sở y tế.

Virus corona gây viêm phổi cấp đã tới Việt Nam, bác sĩ cảnh báo về nguồn lây bệnh - Ảnh 2

Máy đo thân nhiệt ở các sân bay giúp phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ.

Bộ Y tế cũng nhanh chóng ban hành các Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp, Quyết định về Kế hoạch đáp ứng với bệnh, Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các bệnh viện khắp cả nước, họp liên tục đánh giá tình hình dịch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong dịp Tết Canh Tý...

Các biểu hiện của bệnh cần chú ý

Bộ Y tế chỉ ra biểu hiện nghi ngờ nhiễm virus Corona mới như sau:

Thứ nhất: Sốt và viêm phổi, hoặc viêm phổi kẽ, hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả các trường hợp có chỉ định lâm sàng xét nghiệm viêm phổi cộng đồng. 

Đặc biệt, người bệnh sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus Corona mới trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng. Tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus Corona mới.

Thứ hai: Người bệnh có dấu hiệu sốt và có các triệu chứng bệnh lý hô hấp (ho, khó thở..) và có mặt tại các cơ sở y tế ở các vùng dịch tễ đã xác định có các ca mắc bệnh do virus Corona mới liên quan tới chăm sóc y tế.

Tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.

Thứ ba: Sốt hoặc có các triệu chứng hô hấp và khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc bệnh do nCoV.

Đường dây nóng tư vấn sức khoẻ và phòng chống dịch 19003228 được duy trì 24/7

Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.

Bác sĩ, y tá trong tâm dịch Vũ Hán: Không ai dám đi vệ sinh, người gục ngã vì nhiễm bệnh, người xin được về nhà

Trong khi mọi người đều quan tâm đến diễn biến của dịch virus corona thì không mấy ai thực sự để tâm đến những áp lực, căng thẳng và cả hiểm nguy của đội ngũ y tá, bác sĩ trong tâm dịch Vũ Hán.

TIN MỚI NHẤT