Hóc thạch làm bít tắc đường thở, rất khó lấy ra. Đây được xem là dị vật là cực kỳ nguy hiểm, khi bị hóc có thể tử vong ngay lập tức.
- Người đàn bà 34 tuổi bị "dị vật chui vào người" mà không biết
- 5 thói quen cực xấu, có hại cho sức khỏe mà nhiều người vẫn làm hàng ngày, nhất là con gái
Nhiều ca hóc thạch
GS Nguyễn Thanh Liêm – nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương đã chia sẻ trường hợp bé 21 tháng phải sống thực vật vì hóc thạch đã được ông và các đồng nghiệp điều trị.
Trường hợp của bé là một hoàn cảnh đặc biệt. Bố là công nhân xây dựng. Cuối tháng, bố bé đưa vợ và con lên thành phố chơi và mẹ bé mua một cốc trà sữa. Cháu bé đòi uống thử và đã hút phải thạch gây hóc.
Dù bé được đưa đi cấp cứu nhưng bị biến chứng nặng nề. Bé sống nhưng trong tình trạng sống thực vật, chân tay không còn cử động, tất cả các cơ gồng cứng, phải cho ăn qua ống thông.
Chụp MRI thấy não bé bị teo rất nặng. Mặc dù rất ít hy vọng nhưng bố mẹ vẫn muốn ghép tế bào gốc cho bé. Ngày 29/5, các bác sĩ đã tiến hành ca ghép tế bào gốc cho bé. GS Liêm cho biết, với tình trạng của bé chắc còn phải ghép một số lần nữa.
Tai nạn hóc thạch xảy ra thường xuyên, nhất là những cháu bé vừa ăn vừa nô đùa. Đây là tai nạn rất thường gặp nhưng có thể để lại hậu quả rất thương tâm.
Trước đó, các bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện này cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ bị hóc dị vật đường thở, đặc biệt là hóc thạch.
Một bé trai 11 tháng tuổi (Nghi Hòa - Cửa Lò) sau khi được bố mẹ cho ăn thạch thì bị sặc và tím tái toàn thân.
Người nhà lập tức đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã quá muộn. Cháu bé vào viện tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở phải hồi sức tim phổi nhưng đồng tử 2 bên dãn, không còn phản xạ thần kinh.
Trường hợp của bé L.Q.N 15 tháng tuổi tại Bắc Giang. Bé đang ăn thạch rau câu bỗng dưng ho sặc sụa, tím tái. Người nhà sơ cứu và đưa bé tới bệnh viện. Tại BV tuyến dưới, bé được sơ cứu và đặt ống nội khí quản, hút, truyền dịch nhưng bé N. vẫn không tiến triển tốt lên nên chuyển lên BV Bạch Mai.
Lúc bé N. được chuyển đến trong tình trạng độ bão hòa ôxy máu (SPo2) chỉ có 30-40% (trong khi người bình thường là 95%, dưới 92% đã rất nguy kịch). Các bác sĩ phải bóp bóng thở ngoài lồng ngực. Sau 15 phút, tim đập trở lại, bé N. tiếp tục được chỉ định đặt ống thở. Sau gần 10 ngày điều trị, bé N. hồi phục dần nhưng đây được xác định là trường hợp may mắn.
Hóc thạch nguy hiểm nhất
PGS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trẻ rất dễ hóc phải dị vật vì trẻ thường có thói quen vừa ăn vừa nô đùa.
Trong các loại dị vật trẻ hóc phải thì thạch rau câu là nguy hiểm nhất. Bác sĩ Dũng cho biết đặc điểm hóc thạch, miếng thạch hình trụ, trơn, rất dễ bít kín đường thở của trẻ. Nếu cha mẹ cố cho tay móc miếng thạch ra thì có thể gây tắc đường thở của trẻ có thể khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo nếu trẻ ăn thạch nên có người lớn giám sát, lấy thìa xúc miếng nhỏ và không để trẻ tự ăn thạch, mút miếng thạch vì theo quán tính miếng thạch trơn dễ hóc.
Khi hóc thạch, khả năng cứu sống là rất khó vì viên thạch vào khí quản sẽ bị bít đường thở và rất khó để chọc hút dị vật. Hầu hết các trường hợp trẻ bị hóc thạch là tử vong.
Triệu chứng của hóc, sặc đó là trẻ đột ngột ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc, ú ớ.
Khi trẻ bị hóc dị vật cần biết cách sơ cứu đúng. PGS Dũng cho biết không đặt trẻ nằm ngứa vuốt ngược, vuốt xuôi.
Sơ cứu bằng cách xoay người cho trẻ nằm úp, chuẩn bị đặt nằm dọc cánh tay người lớn.
Giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng trẻ nhiều (chỗ giữa hai xương bả vai), khoảng 5 cái để kích thích ho, dị vật bắn ra theo đường ho.
Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa dọc cánh tay, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức của trẻ. Ngay sau đó nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế.
PGS Dũng cho biết mùa hè, người lớn phải hết sức chú ý khi cho trẻ ăn các món thạch, bánh có độ dẻo, ăn các trái cây nhãn, vải vì các loại này hạt trơn tròn rất dễ hóc và bít tắc vào đường thở của trẻ cực kỳ nguy hiểm.