Phụ nữ trên 40 tuổi nên khám sàng lọc ung thư vú, phụ nữ trên 30 tuổi sau quan hệ tình dục nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung...
- Sự thật về gói tầm soát ung thư chỉ qua 1 xét nghiệm nhiều bệnh viện đang quảng cáo rầm rộ
- Phụ nữ trên 50 tuổi cần tầm soát ung thư gì?
Tầm soát ung thư giúp người bệnh có thể phát hiện sớm ung thư nhưng không phải bất cứ ai cũng tầm soát ung thư. Lạm dụng tầm soát ung thư ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh vừa tốn kém, vừa gây lo lắng và mệt mỏi không đáng có. Vì thế, không phải ai cũng cần tầm soát ung thư.
Để biết rõ khi nào cần phải tầm soát ung thư, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS.BS Phùng Thị Huyền – Trưởng khoa Nội 6, Bệnh viện K trung ương.
Thưa TS, hiện nay, rất nhiều người đi tìm mua các gói tầm soát ung thư cho mình, thậm chí có người còn nghĩ chụp CT "chẻ nhỏ" người hàng trăm dãy có thể giúp biết tất cả các bệnh ung thư, quan điểm của TS như thế nào về vấn đề này?
TS Phùng Thị Huyền: Hiện nay, các gói tầm soát, sàng lọc ung thư được quảng cáo trên thị trường có sự thương mại hoá, quảng cáo nhiều. Bản thân tôi cũng gặp nhiều người đi tầm soát ung thư và mang kết quả tới nhờ tôi tư vấn. Tuyệt nhiên, kết quả tôi nhận được 99% chỉ là tờ xét nghiệm máu.
Thực tế không có xét nghiệm máu, phương tiện hình ảnh nào có khả năng chẩn đoán "hàng loạt" ung thư như vậy, và phải khẳng định chỉ riêng xét nghiệm máu không đủ để chẩn đoán ung thư.
Có những người hoảng hốt vì thấy nhiều người bị ung thư và đến viện hỏi bác sĩ có biện pháp nào giúp tìm cho tôi được bệnh ung thư từ đầu đến chân. Câu trả lời là không.
Bệnh ung thư sàng lọc phát hiện sớm là chìa khóa thành công trong điều trị. Nhưng mỗi đối tượng sàng lọc khác nhau và ưu tiên các bệnh có thể dễ sàng lọc nhất để sàng lọc trong cộng đồng.
Bệnh viện K trung ương đã xây dựng 9 gói tầm soát ung thư với các mức giá khác nhau. Xin bác sĩ cho biết các gói tầm soát này xây dựng trên cơ sở nào?
TS BS Phùng Thị Huyền: Bệnh viện K trung ương có xây dựng 9 gói tầm soát ung thư cơ bản nhằm mục đích phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp nhất ở cả nam giới và nữ giới.
9 gói tầm soát này xây dựng trên cơ sở áp dụng cho một số bệnh thường gặp có thể sàng lọc được, một số bệnh có thể phát hiện sớm nhờ các dấu hiệu gợi ý của bệnh, các xét nghiệm sàng lọc áp dụng cho các bệnh này dễ thực hiện và chi phí hợp lý.
Mỗi bệnh có gói chi phí khác nhau liên quan đến các xét nghiệm được chỉ định tầm soát cho mỗi bệnh là khác nhau. Chúng ta cũng cần phân biệt các chương trình "sàng lọc toàn dân" và "sàng lọc cá thể".
Đối với sàng lọc ung thư cho từng cá thể, các xét nghiệm có thể được chỉ định rộng rãi hơn vì tính chất "hiệu quả - giá thành" không quá chặt chẽ như trong các chương trình "sàng lọc toàn dân" hay sàng lọc hàng loạt.
Vậy xin bác sĩ cho biết những người như thế nào nên đi tầm soát ung thư sớm?
TS BS Phùng Thị Huyền: Ở phụ nữ trên 40 tuổi nên khám sàng lọc ung thư vú, phụ nữ trên 30 tuổi sau quan hệ tình dục nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên ở phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú như: có tiền sử gia đình ung thư vú, ung thư buồng trứng, có đột biến gen BRCA nên đi khám sàng lọc phát hiện ung thư vú ở lứa tuổi sớm hơn.
Khuyến cáo sàng lọc ung thư đại trực tràng ở lứa tuổi từ 50, sàng lọc ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan cũng đang được áp dụng.
Còn đối với tất cả người dân khi có các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư nên đến các cơ sở chuyên khoa để được khám và chẩn đoán sớm.
Cụ thể là 10 triệu chứng phát hiện sớm ung thư:
- Ho kéo dài (gợi ý ung thư phổi)
- Tiết dịch, máu bất thường (ung thư vú, ung thư cổ tử cung)
- Đi ngoài ra máu (ung thư đại trực tràng)
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài, thay đổi thói quen đại tiểu tiện (ung thư đường tiêu hóa và ung thư tiết niệu)
- Đau nửa đầu, ù tai (ung thư vòm)
- Nói khó, nuốt vướng (ung thư thanh quản thực quản)
- Nổi u cục bất thường (ung thư phần mềm)
- Nổi hạch bất thường (ung thư hạch)
- Thay đổi tính chất nốt ruồi (ung thư hắc tố)
Để không còn ám ảnh căn bệnh ung thư như hiện nay, bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân trong việc phòng bệnh ung thư?
TS BS Phùng Thị Huyền: Mặc dù nhiều loại ung thư có thể chữa khỏi, đặc biệt khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm nhưng tốt nhất nên có biện pháp ngăn ngừa, phòng bệnh trước khi chúng có cơ hội xảy ra. Cách phòng bệnh tốt nhất là không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu và đồ uống có cồn, duy trì cân nặng hợp lý, thường xuyên rèn thể dục, thể thao.
Xây dựng chế độ ăn giàu hoa quả, rau, protein không chỉ tốt cho sức khỏe nói chung, mà còn giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Tiêm phòng vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung, vắc xin viêm gan B phòng ung thư gan cũng là các biện pháp hữu hiệu hiện nay.
Khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm và điều trị các tổn thương tiền ung thư nhằm ngăn chặn chúng biến đổi thành ung thư.
Xin cảm ơn bác sĩ!