Dự báo của trang thời tiết Anh Weatheronline, từ ngày 18 đến 23/4 do nắng nóng, chỉ số tia UV tại TP HCM lên đến 12.
- Sài Gòn nắng nóng, gần 11.000 trẻ em vào viện mỗi ngày
- Bệnh nhân nhập viện tăng đột biến vì nắng nóng
TP HCM đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm, mức nhiệt công bố thường xuyên 35-37 độ. Thực tế ngoài đường phố, nhiệt độ cao hơn 3-4 độ do hiện tượng bức xạ nhiệt cộng hưởng từ xe cộ, bêtông hóa.
Trang Weatheronline của Anh dự báo chỉ số tia cực tím tại TP HCM từ ngày 18 đến 23/4 dao động quanh mức 12, tương đương đợt nắng nóng hồi cuối tháng 3. Ở Anh, chỉ số này thường không vượt quá 8, những ngày đặc biệt mới đạt đến mức 7.
Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ làm da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. UV mức 8-10, thời gian gây bỏng da khoảng 25 phút ở ngoài nắng. Khi UV từ 3 trở lên phải mặc áo chống nắng, đeo kiếng mát che chắn để bảo vệ cơ thể. Da bị bỏng nhiệt sẽ phồng rộp, đỏ, đau.
Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cơ thể càng lớn, có thể gây lão hóa da, ung thư da, khởi phát và làm nặng hơn những bệnh có liên quan đến ánh sáng như lupus ban đỏ, viêm da cơ... Tia cực tím cũng gây tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm...
Các nguy cơ do ảnh hưởng của tia UV đến da và mắt sẽ được cộng dồn, tích lũy dần trong suốt cuộc đời nên cần bảo vệ tối đa từ khi còn nhỏ, tránh các bệnh khởi phát sau này.
Tiến sĩ Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y dược TP HCM, cho biết tiếp xúc tia tử ngoại là yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề trên da, đặc biệt là rối loạn tăng sắc tố da và lão hóa da, sốc nhiệt, bỏng da.
Theo bác sĩ Thanh, việc bảo vệ da, chống nắng đúng cách rất quan trọng. Nên bôi kem chống nắng phổ rộng suốt ngày, bảo vệ vật lý gồm nón, mắt kính, ô, khẩu trang, găng vớ, quần áo sậm màu khi ra ngoài trời, hạn chế ra nắng nhất là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
Các chế phẩm chống nắng có chỉ số SPF từ 15 đến 30 hấp thu được tia cực tím ở phổ rộng (hấp thu UVB lẫn UVA), thích hợp nhất cho việc sử dụng hàng ngày.
Các sản phẩm có SPF trên 30 có mức độ bảo vệ da không cao hơn so với các sản phẩm có SPF 30, lại có nguy cơ gây dị ứng cao do nồng độ các hóa chất chống nắng trong sản phẩm rất cao. Người tiêu dùng có cảm giác sai lầm về mức độ bảo vệ của sản phẩm nên họ có thể phơi nắng lâu hơn thời gian cho phép.
Việc thoa kem chống nắng cũng có nhiều yếu điểm như quên bôi lặp lại sau mỗi 2-3 giờ, không bảo vệ được toàn bộ cơ thể, không bôi đủ lượng kem cần thiết. Kem chống nắng có khả năng gây tác dụng phụ như ngứa, rát, làm phát sinh hay nặng hơn mụn trứng cá, dị ứng da, gây cảm giác khó chịu trong điều kiện khí hậu nóng ẩm...
Hiện nay nhiều người sử dụng kem chống nắng dạng uống, có thể uống 30 phút trước khi tiếp xúc ánh nắng. Những chất chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch trong viên uống giúp ngăn cản tình trạng đỏ da do ánh sáng, tăng sự dung nạp của da đối với tia tử ngoại.
Trẻ em cần được đặc biệt chú ý phòng tránh tác hại của tia UV. Làn da của trẻ vốn non nớt và dễ tổn thương. Trẻ thường xuyên vui chơi, chạy nhảy ngoài trời dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về da do tác hại từ tia cực tím cao hơn nhiều lần so với người trưởng thành.