Chúng ta luôn đánh giá quá cao sức khỏe tuổi trẻ của bản thân và đánh giá quá thấp những mức độ tổn thương mà thức khuya đem lại.
- 5 thói quen vào buổi sáng gây tổn hại gan nghiêm trọng
- Bộ Y tế ra thông báo 7 thói quen nhất định PHẢI THAY ĐỔI ngay trong mùa dịch Covid-19
01
Một bà mẹ hai con 27 tuổi sống tại Trung Quốc được phát hiện đã chết vào buổi sáng sau khi sử dụng điện thoại di động qua đêm. Khi phát hiện, cả người cô bất động, lạnh ngắt, trên tay vẫn còn cầm điện thoại di động và màn hình chờ hiển thị trang mua sắm trực tuyến.
Qua quá trình khám nghiệm tử thi, lực lượng chức năng tuyên bố cô qua đời vì cơ thể mệt mỏi quá độ mà không được nghỉ ngơi kịp thời dẫn tới ngừng tim đột ngột.
Đây không phải là trường hợp duy nhất qua đời vì thói quen thức khuya, thiếu ngủ trầm trọng. Một giáo viên 35 tuổi đột nhiên bị ngừng tim trong lớp học và tử vong do thường xuyên thức khuya làm việc. Hay như trường hợp nam thanh niên 23 tuổi đột quỵ vì liên tục chơi game thâu đêm.
Theo BS BSCKII La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ, giấc ngủ đủ rất quan trọng với cơ thể con người để thải độc, cung cấp dinh dưỡng và phục hồi khả năng học tập, làm việc, sinh hoạt sau mỗi ngày. Với người trẻ, cần đảm bảo ít nhất 6-8 tiếng/ngày thời gian ngủ, người già nên ngủ đảm bảo ít nhất 4 tiếng/ngày.
02.
Theo một khảo sát của Hiệp hội Y học Giấc ngủ Trung Quốc:
Hơn 70% giới trẻ có thói quen thức khuya và 90% những trường hợp thanh niên đột tử vì xuất huyết não và nhồi máu cơ tim đều có liên quan đến việc thức khuya.
Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn về lý do thức khuya, người ta nhận ra, chỉ có 30% trong số đó ngủ muộn để làm việc. Đại đa số các trường hợp còn lại đều dùng thời gian để xem phim, chơi game, lướt mạng, trò chuyện với bạn bè hoặc mua sắm trực tuyến…
Bộ phim đang theo dõi ra tập mới, phải thức để “cày”.
Ngày mai được nghỉ không cần đi làm, phải thức để chơi.
Đêm nay có trận bóng đá, phải thức để xem.
Người mình thích không trả lời tin nhắn, phải thức để đợi.
Người mình thích trả lời tin nhắn, phải thức để chat.
…
Giới trẻ bây giờ có vô vàn lý do để ngụy biện cho hành vi thức đêm của mình. Khoảng 75% thanh niên đi ngủ sau 23 giờ tối và 20% đi ngủ sau 1 giờ sáng.
Hình thức “cú đêm” này đã trở thành một trào lưu rộng rãi. Sau cả ngày dài học tập hoặc làm việc, đến đêm, người ta mới có thời gian cho những sở thích, nhu cầu cá nhân của mình. Do đó, đại đa số càng không muốn đi ngủ sớm.
03.
Thế nhưng, dù thức khuya có thể thỏa mãn thế giới tinh thần, nhưng cơ thể bạn lại đang phải gánh chịu rất nhiều nguy cơ nguy hiểm ẩn giấu.
Một thanh niên 9x khỏe mạnh thường xuyên làm việc thâu đêm suốt sáng, chỉ ăn 2 bữa một ngày để tiết kiệm thời gian. Cuối cùng, anh ta cũng thăng chức lên làm giám đốc bộ phận, nhưng lại bị đột quỵ vì xuất huyết não.
Một cô gái 25 tuổi liên tục thức đêm để xem phim dài tập, dẫn tới sốt nhẹ chuyển biến thành viêm phổi. Khi nhập viện, chức năng gan và thận cũng chịu nhiều tổn hại khác nhau. Chi phí điều trị lên tới cả trăm triệu đồng.
Cũng có rất nhiều trường hợp khác bị rối loạn chuyển hóa cơ thể, nhồi máu cơ tim, mất ngủ kinh niên, tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, thậm chí là xuất hiện dấu hiệu u, ung thư nguy hiểm,... có liên quan tới việc sinh hoạt, ngủ nghỉ không điều độ. Đây là những hậu quả đáng sợ không kém với thói quen hút thuốc lá là bao.
Chúng ta luôn đánh giá quá cao khả năng chịu đựng của cơ thể và đánh giá thấp mức độ tổn thương mà thức khuya đem lại. Sức khỏe tuổi trẻ là vốn sống mà trời cho, nhưng chúng không đủ để chúng ta lãng phí trên con đường dẫn tới địa ngục như vậy.
Ở nước ngoài, một cuộc thí nghiệm đã được tổ chức để tìm ra sự thay đổi ngoại hình bên ngoài ở những người chỉ ngủ 4-6 tiếng/ngày với ngủ đủ 8 tiếng/ngày trở lên.
Sarah Chalmers, một người phụ nữ Anh 47 tuổi đã tiến hành thí nghiệm chỉ ngủ 6 tiếng/ngày trong tuần đầu tiên. Sau đó cô thực hiện ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm cho tuần thứ hai. So sánh 2 hình ảnh của cùng một người phụ nữ đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt.
Khuôn mặt chỉ sau vài ngày ngủ 8 tiếng phấn chấn, tươi tắn hơn hẳn. Làn da cũng được cải thiện. Trong khi đó, nếu chỉ ngủ 6 tiếng, đôi mắt trở nên mệt mỏi, làn da sạm và mái tóc khô, đổi màu xấu hơn.
04.
Hãy chịu trách nhiệm với sức khỏe và cơ thể của mình càng sớm càng tốt. Học cách thay đổi thói quen thức khuya với những phương pháp hữu ích có thể tham khảo sau đây:
Đặt cho mình một hình phạt khó chịu
Phản ứng trốn tránh những nguy cơ gây tổn thương, khó chịu đã thuộc về bản năng con người. Một khi bạn có hình phạt đáng sợ, tự khắc, bạn sẽ không muốn vi phạm nguyên tắc.
Nhất định phải tập thể dục, tốt nhất là ngay sau khi thức dậy
Tập thể dục có hai lợi ích: Nó giúp cơ thể tiêu thụ năng lượng thể chất dư thừa, dễ đi vào giấc ngủ hơn trong buổi đêm và đánh thức năng lượng buổi sáng ngay khi bạn vừa thức dậy, còn đang uể oải.
Đừng ăn tinh bột cho bữa sáng
Các thực phẩm có chứa tinh bột thường đi cùng chỉ số đường huyết cao, dễ tạo cảm giác buồn ngủ sau khi ăn.
Bữa sáng được khuyến nghị cho mọi người chính là: Yến mạch không đường các loại hạt hạt chia nho khô sữa đậu nành không đường trái cây.
Giảm bớt độ sáng của đèn phòng một giờ, không sử dụng điện thoại di động hoặc xem TV trước khi đi ngủ
Ánh sáng nhân tạo có thể gây nhầm lẫn cho đồng hồ sinh học tự nhiên của chúng ta, khiến cơ thể tưởng rằng bây giờ vẫn là ban ngày nên sản sinh ra ít melatonin - một hoạt chất hỗ trợ cơ thể chìm vào giấc ngủ.
Ngâm chân trước khi đi ngủ
Ngâm chân thúc đẩy tuần hoàn máu, cũng có tác dụng bình ổn nhiệt độ cơ thể, điều hòa hơi thở và nhịp tim, giúp chúng ta dễ đi vào giấc ngủ hơn
Đừng suy nghĩ quá nhiều trước khi chìm vào giấc ngủ
Những suy nghĩ về “kế hoạch ngày mai” hay “những việc phải làm” sẽ khiến não bộ hoạt động nhiều hơn, cơ thể luôn duy trì sự tỉnh táo, rất khó đi vào giấc ngủ.