Giới y học và dinh dưỡng không khuyến cáo dùng chất chống oxid hóa ở dạng thực phẩm chức năng để phòng chống lão hóa, ung thư mà chỉ thừa nhận lợi ích của chất này trong thực phẩm.
- Biết được khả năng ngăn ngừa ung thư của các loại rau này, bạn sẽ chạy ra chợ mua ngay về ăn
- 9 cách các chuyên gia y tế hàng đầu sử dụng để phòng tránh các bệnh ung thư
PV: Thưa ông, tôi đọc một số quảng cáo thực phẩm chức năng, thấy họ nói nhiều về các gốc tự do tạo ra quá trình lão hoá trong cơ thể, gây ra các loại bệnh tật như ung thư … đồng thời họ cũng nói nhiều đến lợi ích thần kỳ của các chất chống oxy hoá có thể vô hiệu hoá các gốc tự do này. Trước hết, xin hỏi ông, gốc tự do là gì?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Trong cơ thể thường xuyên xảy ra phản ứng oxid hóa, nôm na gọi là đem "đốt cháy" những phân tử do thực phẩm đem vào hoặc do phân rã tế bào già nua… để tạo năng lượng. Quá trình oxid hóa không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nên đôi lúc tạo ra các gốc tự do (free radicals).
Các gốc tự do này không ổn định, tôi phải gọi đó là những kẻ hung hãn. Chúng thèm khát electron một cách lạ thường, điên cuồng tấn công vào bất cứ chất gì nó gặp để cướp cho bằng được electron.
Những phân tử khác trong tế bào đang hiền lành tử tế, bị cướp electron cũng nổi cơn điên cuồng đi cướp electron của phân tử khác, và cứ thế phá hoại dây chuyền, gây thiệt hại cho cơ thể trước mắt hoặc về lâu dài.
PV: Như ông vừa nói, một phần của phản ứng oxy hoá là "đốt cháy" những phân tử do thực phẩm đem vào. Những phân tử này có phải là gốc tự do không? Nếu vậy chỉ cần biết thực phẩm nào có nhiều gốc tự do để tránh không ăn là ổn phải không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Thực phẩm không có gốc tự do, nhưng khi chúng ta ăn vào, cơ thể phân cắt, "chế biến". Quá trình này có thể tạo ra các gốc tự do.
Các tác nhân bên ngoài cũng làm gia tăng một lượng lớn gốc tự do như tia tử ngoại, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, nhiễm phóng xạ…
Các gốc tự do là nguyên nhân gây tổn thương tế bào, protein, DNA… và dẫn tới các bệnh lão hóa, alzheimer , thị giác kém, ung thư, tim mạch …
PV: Nghe ông nói có vẻ trong cơ thể luôn xảy ra những "cuộc chiến" khốc liệt. Tôi hiểu quá trình này là để tạo năng lượng. Nhưng nếu như vậy thì đồng nghĩa với việc không ngăn chặn được gốc tự do nguy hiểm sao, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Trời sinh trời dưỡng mà. Cơ thể cũng tổng hợp được những chất để vô hiệu hóa gốc tự do, đó là chất chống oxid hóa (antioxidant). Những chất này hiến tặng electron cho kẻ hung hãn để dập tắt "cơn điên" của chúng.
Thực ra, nhóm gốc tự do không phải là "ác ôn" hoàn toàn, chúng giúp cơ thể phòng vệ, thông qua hệ miễn nhiễm, tấn công vào các vi khuẩn, virus gây hại.
Nhóm gốc tự do và chất chống oxid hóa hình thành tự nhiên trong cơ thể người (nội sinh) trong quá trình sinh trưởng của tế bào. Bình thường thì các nhóm gốc tự do và chất chống oxid hóa trong cơ thể cân bằng để cơ thể hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, các chất chống oxid hóa thường thiếu hụt và suy giảm theo tuổi tác. Khi sự cân bằng này không còn nữa, lượng nhóm gốc tự do trong cơ thể tăng lên bất thường, chúng sẽ tấn công vào tế bào gây nguy hiểm cho sức khỏe về lâu dài.
PV: Chúng gây nguy hiểm như thế nào, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Thì như tôi đã nói ban nãy. Các gốc tự do tấn công vào tế bào, DNA…dẫn tới các bệnh lão hóa, alzheimer, thị giác kém, ung thư, tim mạch…
PV: Chất chống oxy hóa hiến tặng electron cho những kẻ hung hãn, xong rồi chúng có trở thành hung hãn như ông nói là phá huỷ dây chuyền hay không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Những chất "chuyên trị" này tuyệt vời ở chỗ đấy, tặng electron cho kẻ dữ để "cải hóa" chúng, mà bản thân vẫn hiền lành tử tế.
Những chất "chuyên trị" này chính là những chất chống oxid hóa có nhiều trong thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày.
Có rất nhiều loại chất chống oxid hóa khác nhau, lợi ích của chúng cũng khác nhau, chẳng hạn vitamin C, vitamin E, beta-carotene, các chất thuộc nhóm carotenoid, flavonoids, phenols, polyphenols…thậm chí các khoáng như selenium, maganesium cũng có tính chống oxid hóa.
Riêng selemium phải ở dạng kết hợp với protein (selenium-containing proteins) mới có thể hoạt động như một chất chống oxid hóa.
Đa số các chất trên đều có trong các loại rau củ quả, nhất là các loại có màu sắc đậm. Mỗi loại rau củ quả đều có cả trăm loại chất chống oxid hóa khác nhau, thứ nhiều, thứ ít, tạo ra lợi ích nổi bật của thực vật đó.
PV: Vitamin C và vitamin E cũng là chất chống oxy hoá, mà giá thành để mua viên uống bổ sung 2 chất này cũng không quá đắt. Tôi có thể mua các loại vitamin này uống thường xuyên để phòng bệnh chống lão hóa không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Theo tôi là không. Bạn nên dành quyết định, uống hay không uống các vitamin này cho bác sĩ.
Vitamin C thường được dùng phòng chống cảm cúm thông thường. Dù vitamin C là loại tan trong nước, nên dễ đào thải, nếu lỡ dùng hơi nhiều cũng không đến nỗi có hại. Nhưng đa số các viên vitamin C ngoài thị trường, các viên xủi bọt,.. thường có chất lượng kém do dùng nguyên liệu Trung Quốc. Uống không hại, nhưng hiệu quả thật đáng ngờ.
Vitamin E thì nhiều công dụng lắm, ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa, cải thiện trí nhớ, alzheimer, parkison.. Vitamin E là loại tan trong dầu, uống nhiều có thể gặp phản ứng phụ.
Người ta bắt đầu chú ý đến các chất chống oxid hóa cách nay khoảng 20 năm, khi khoa học có bằng chứng rằng các gốc tự do có liên quan đến giai đoạn đầu của các bệnh động mành vành, ung thư, thị giác kém…
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu ăn nhiều rau quả giàu chất chống oxid hóa có thể giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư, động mạch vành, alzheimer và thoái hóa điểm vàng ở mắt.
Các đại gia thực phẩm chức năng không bỏ qua cơ hội, tung vào thị trường các viên bổ sung chất chống oxid hóa vitamin E, selen, betacaroten…, quảng cáo như thần dược hỗ trợ phòng chống ung thư.
Viện Ung thư Quốc gia (Mỹ) đã đánh giá 9 thử nghiệm lâm sàng được đối chứng ngẫu nhiên (Randomized controlled clinical trials) về các viên bổ sung thần dược này.
Kết quả thật đáng buồn. Thần dược chống oxid hóa chẳng có ích lợi gì trong việc ngăn ngừa ung thư cả, thậm chí trong vài trường hợp còn tệ hại hơn, chẳng hạn chất beta carotene làm tăng rủi ro các ung thư ở những người hút thuốc lá, cũng như thúc đẩy khối u phát triển ung thư.
PV: Ông vừa nói, thực phẩm chức năng có chất chống oxy hoá chẳng có tác dụng gì, thậm chí gây hại? Vì sao cùng là chất chống oxy hoá mà thực phẩm giàu chất này thì có lợi ích phòng ngừa ung thư, tim mạch…, nhưng thực phẩm chức năng lại không có tác dụng hoặc gây hại?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Có cả hàng ngàn chất chống oxid hóa khác nhau, có đặc tính hóa học và sinh học riêng. Khoa học vẫn chưa hiểu hết cả ngàn chất chống oxid hóa này.
Vả lại, chất chống oxid hóa này này đi cạnh chất oxid hóa kia, trong tình huống nào đó, lại có thể trở thành kẻ cướp electron, chẳng hạn polyphenol là chất chống oxid hóa nhưng lại có thể bị oxy hóa, tạo ra hydrogen peroxide. Chất này có tính oxid hóa mạnh gây hại cho tế bào.
Trong thực phẩm, rau quả củ chẳng hạn, có cả vài trăm loại chất chống oxid hóa khác nhau, tạo ra những lợi ích độc đáo của loại thực phẩm đó, mà nếu chỉ tách riêng ra một loại chất chống oxid hóa nào trong rau củ quả, cho dù là chất nổi bật nhất, cũng không ăn thua gì.
Lợi ích của rau củ quả trong phòng chống bệnh chính là "thành tích tập thể", không chỉ là thành tích của riêng một chất chống oxid hóa nào, mà là của cả trăm loại chất chống oxid hóa có trong đó. Thậm chí còn phải kể thêm sự đóng góp công sức ít nhiều của các vitamin, khoáng, và chất xơ đi kèm.
Còn các viên thần dược bổ sung chỉ có một hoặc hai loại chất chống oxid hóa được chiết xuất ra, rồi cứ thế quảng cáo bốc lên
Thực ra, cũng có một số nghiên cứu riêng lẻ cho từng chất chống oxid hóa, nhưng bằng chứng lợi ích còn rất yếu, mà khoa học cũng chưa biết dung nạp chúng bao nhiêu là quá nhiều.
Hiện nay khoa học chỉ thừa nhận lợi ích của các chất chống oxid hóa có trong thực phẩm mà thôi.
PV: Vậy là những thông tin thực phẩm chức năng có chất chống oxy hoá có thể ngăn ngừa quá trình lão hoá, chống bệnh ung thư, tim mạch… cùng hàng ngàn công dụng khác chỉ là lời đồn thổi thôi sao, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy những thông điệp quảng cáo đó là đúng cả. Ít ra là cho đến lúc này, giới y học và dinh dưỡng không khuyến cáo nên dùng chất chống oxid hóa này hay chất chống oxid hóa nọ ở dạng thực phẩm chức năng hay các viên bổ sung để phòng chống lão hóa, ung thư cả.
Trừ trường hợp vài loại vitamin, mà bác sĩ thỉnh thoảng kê thêm vào toa, nhưng chỉ xem đó là hỗ trợ điều trị mà thôi.
PV: Trên mạng người ta đồn các viên bổ sung chống oxy hóa có thể giúp giảm cân . Ý kiến ông thế nào?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Các chất chống oxid hóa chẳng liên quan gì đến giảm cân hay tăng cân cả. Nhưng bạn ăn nhiều rau quả giàu chất chống oxy hóa thì có lợi cho giảm cân. Giảm cân là do rau quả ít bột đường, béo và giàu chất xơ, chứ không phải giàu chất chống oxid hóa.
PV: Nếu tôi quan tâm đến chất chống oxy hoá trong thực phẩm thì tôi nên ăn những loại nào, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nhiều vô số, nếu bạn chịu ăn rau quả. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật, bơ, đu đủ, rau cải. Vitamin C có nhiều trong ổi, xê ri, cam chanh bưởi.
Các loại carotenoids có trong các loại rau quả có màu đỏ, cam, vàng, hoặc xanh đậm. Các loại polyphenols trong nhiều loại trái cây như táo, trà xanh, dâu tây, thảo dược,… Các hợp chất allium có trong các loại hành, tỏi,…