Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, người đàn ông đến viện thăm khám thì phát hiện mắc ung thư đại tràng sigma di căn gan đa ổ.
- Sau 35 tuổi, phụ nữ nên tầm soát những loại ung thư nào?
- 10 loại móng bất thường cần cảnh giác để bảo vệ sức khỏe
Bất ngờ phát hiện ung thư đại tràng nhờ triệu chứng đau bụng, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa
Ông N.V.X. (55 tuổi, ở Bắc Giang) có tiền sử khỏe mạnh, nghiện thuốc lá nhiều năm nay. Cách ngày vào viện khoảng 3 tháng, bệnh nhân thường xuyên đi ngoài phân lúc lỏng, lúc rắn, có lúc phân sẫm màu.
Người đàn ông này cũng đau bụng vùng hạ vị từng cơn, không nôn, không sốt. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn thấy bị mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân.
Bệnh nhân đã đến Bệnh viện Ung Bướu Bắc Giang thăm khám. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có hình ảnh di căn gan đa ổ, u sùi đại tràng sigma kích thước 29x16 mm gây hẹp lòng đại tràng. Người bệnh cũng được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng sigma di căn gan đa ổ.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo, điều trị bằng hóa chất, phẫu thuật cắt đoạn đại tràng, vét hạch và đóng lại hậu môn nhân tạo, lặp lại lưu thông tiêu hóa.
Sau phẫu thuật, điều trị, bệnh nhân tỉnh, thể trạng tốt, tăng 5 kg, ăn ngủ khá, không đau bụng, trung đại tiện qua hậu môn tốt, tiểu tiện bình thường và không bị rối loạn tiêu hóa.
Đau bụng, rối loạn tiêu hóa là những dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư đại tràng. Ảnh minh họa
Ung thư đại tràng có xu hướng gia tăng
Theo các bác sĩ, tại Việt nam, bệnh ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư thường gặp của cả hai giới và đang có xu hướng gia tăng.
Mà các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại tràng có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống hàng ngày như: Chế độ ăn ít rau nhiều chất béo, nhiều thịt, mỡ động vật…
Bên cạnh đó, những người mắc bệnh polyp đại trực tràng, bệnh corh, viêm loét mạn tính… cũng có nguy cơ bị ung thư đại tràng cao hơn những người không bị bệnh.
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có vai trò làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng như: Hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không polyp (Hội chứng Lynch), Bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình(FAP)…
Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm tiên lượng tốt, bệnh ung thư đại tràng có thể chữa khỏi hoàn toàn và phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật
Còn phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì chủ yếu điều trị hóa chất, đích, miễn dịch…, làm tăng thời gian sống thêm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tỷ lệ khỏi bệnh sau 5 năm là từ 40-60%. So với các ung thư đường tiêu hóa,ung thư đại tràng có tiên lượng tốt hơn và được coi là bệnh ưu tiên chữa khỏi.
Những dấu hiệu sớm của ung thư đại tràng
- Đau bụng
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài
- Đại tiện ra máu
- Thay đổi thói quen đi đại tiện
- Đi đại tiện ra phân nhỏ
- Giảm cân bất thường
- Mệt mỏi và suy nhược
- Đau hậu môn và không kiểm soát được sự co thắt của chúng
Làm gì để phòng ngừa ung thư đại tràng?
- Tầm soát ung thư đại trực tràng 6 tháng/lần là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư.
- Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như:
- Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, các loại thực phẩm chế biến theo hình thức chiên, nướng, muối chua…
- Ăn nhiều các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, hoa quả) giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
- Hạn chế các loại nước uống chứa cồn vì chúng làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
- Không hút thuốc lá vì chúng được biết đến như là những yếu tố nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia.
- Duy trì hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe.