Không chỉ do tuổi tác tăng cao mà chính thói quen sinh hoạt sai cách cũng có thể trở thành tác nhân làm ảnh hưởng tới xương khớp của bạn.
- Sửa ngay những thói quen ăn uống tai hại này nếu không muốn dạ dày bị xuống cấp nghiêm trọng
- 90% người Việt mắc bệnh răng miệng chỉ vì 10 thói quen khó bỏ này
Bẻ khớp tay thường xuyên
Rất nhiều người thường có thói quen bẻ khớp ngón tay, ngón chân, hay vặn lưng, vặn cổ mỗi khi cảm thấy nhức mỏi. Tuy nhiên, đây lại là một thói quen hoàn toàn sai lầm và có thể làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh về khớp.
Do khi bạn bẻ khớp ngón tay, hay vặn lưng, vặn cổ thì các khớp sẽ phải hoạt động nhanh đột ngột. Việc vận động quá sức sẽ dễ làm tổn thương và phá hủy cấu trúc sụn khớp hoặc cấu trúc dây chằng xung quanh khớp, từ đó gây hại không nhỏ cho xương khớp. Đặc biệt, tình trạng này nếu kéo dài quá lâu còn làm khớp của bạn nhanh bị thoái hóa, biến dạng khớp, to khớp ở các vùng ngón tay hoặc có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, cột sống thắt lưng...
Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh
Một số người thường lầm tưởng rằng, chế độ ăn uống không làm ảnh hưởng gì đến hệ xương khớp. Nhưng trên thực tế thì đây lại là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp. Bên cạnh đó, việc thu nạp quá nhiều các loại thực phẩm giàu đạm như thịt, muối, đường, nước uống có ga... cũng có thể làm ảnh hưởng một phần tới các khớp của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá... vì nhiều nghiên cứu cho thấy, chất nicotine có trong thuốc lá có thể làm hạn chế khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của đĩa đệm, từ đó làm cản trở chất dinh dưỡng đến các khớp và các cơ. Đồng thời, điều này còn làm thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đĩa đệm và làm ảnh hưởng xấu tới cột sống, gây đau nhức lưng thường xuyên.
Ngồi một chỗ quá lâu
Ngồi làm việc hay đứng quá lâu tại một vị trí cũng khiến quá trình tuần hoàn máu ở chân giảm xuống, từ đó làm cơ mông và cơ hông ngày càng trở nên kém linh hoạt, thậm chí còn khiến xương của bạn dần mỏng đi, giòn và dễ gãy hơn. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy, những người làm việc với máy tính thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới cột sống nhiều hơn so với những người thường xuyên vận động.
Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh về khớp, bạn hãy thay đổi thói quen ngồi làm việc quá lâu tại một vị trí và tranh thủ vài phút giải lao để đi lại, vận động nhẹ nhàng sẽ vừa giúp tinh thần thoải mái, vừa ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ, vai, cột sống...
Tập luyện quá sức
Khi các nhóm cơ của bạn phải làm việc quá tải thì nó sẽ dần suy yếu và không thể giữ vững được các cấu trúc như cột sống, khớp gối, cổ chân... Do đó, bạn nên tránh việc tập luyện quá sức mà chỉ tập vừa phải để phù hợp với thể lực của cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ để biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình nếu thấy có triệu chứng đau khớp thường xuyên.
Giảm cân nhanh
Việc giảm cân nhanh chẳng những khiến quá trình hấp thụ canxi ở xương bị hạn chế mà còn làm đẩy nhanh quá trình lão hóa sớm. Do khi giảm cân nhanh, sự liên kết của lớp mỡ và cơ bắp sẽ trở nên lỏng lẻo. Đó cũng là lý do vì sao mà bạn dễ gặp phải các vấn đề như ngã, trượt chân, thậm chí nặng hơn là gãy xương. Điều này cũng lý giải cho bạn thấy những người giảm cân nhanh thường bị ngất xỉu, mệt lả người và có nguy cơ mắc bệnh loãng xương sớm.
Ngoài những thói xấu ở trên thì việc đi giày cao gót thường xuyên, ngồi làm việc không đúng tư thế, đeo túi lệch một bên vai... cũng có thể là các nguyên nhân làm ảnh hưởng tới khớp của bạn. Do đó, bạn cần chú ý sửa ngay những thói quen xấu này từ bây giờ để bảo vệ hệ xương khớp luôn chắc khỏe.