Vào dịp Tết, mỗi gia đình luôn cần dự trữ sẵn một số loại thuốc đề phòng những tình huống bất ngờ xảy ra.
- Ngày Tết, cứ tích trữ mấy đồ uống này trong nhà thì yên tâm "chống" lại lũ mụn đáng ghét
- Những món ăn ngày Tết sẽ khiến cân nặng của bạn tăng vùn vụt
Những ngày trước Tết nguyên đán, ta thường thấy các gia đình tất bật chuẩn bị cây quất, cành đào, sắm sửa quần áo, bánh kẹo,... để đón năm mới, nhưng bên cạnh đó, thuốc dự phòng cũng là một trong những thứ cần phải chuẩn bị kỹ trong những ngày này để kịp thời sơ cứu, điều trị khi có vấn đề về sức khỏe bất ngờ xảy ra.
1. Thuốc cảm sốt
Ngày Tết mọi người thường chủ quan đi chơi không đội mũ nón, che khẩu trang… nên rất dễ bị nhức đầu, hắt hơi sổ mũi… Do đó, cần uống thuốc ngay khi mới có dấu hiệu cảm để bệnh không bị nặng hơn.
Để giảm đau, hạ sốt, đặc biệt trị nhức đầu, nên dùng thuốc paracetamol. Đây là thuốc dùng tương đối an toàn hơn cả. Vì vậy, trong tủ thuốc gia đình không thể thiếu loại thuốc này. Tuy nhiên, trong những ngày Tết, nhiều người chúc rượu, vì vậy cần lưu ý, việc uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây độc cho gan. Khi phải dùng đến thuốc hạ nhiệt giảm đau paracetamol nên nhớ không được uống rượu.
2. Thuốc chữa rối loạn tiêu hóa
Ngày Tết, thói quen ăn uống thường ngày của mọi người thường bị thay đổi, rất dễ xảy ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu (người bệnh cảm thấy no hơi, nặng bụng, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa, do tiêu hóa không tốt, thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày) hoặc bị tiêu chảy (do ăn phải thức ăn bảo quản không tốt)… Do vậy, nên dự trữ một ít thuốc trị chứng đầy hơi, khó tiêu, thuốc tiêu chảy trong tủ thuốc gia đình đề phòng những tình huống này
Cần dự phòng oresol để đề phòng trong nhà có nhiều người cùng bị tiêu chảy cần được bù lượng nước đã mất.
3. Thuốc chống say tàu xe
Rất cần thiết nếu gia đình bạn có kế hoạch đi chơi bằng ô tô, tàu. Có thể lưu ý dùng Diphenylhydramin, Cinnarizine, hoặc Promethazine trước khi lên xe ít nhất 30 phút. Nếu thời gian di chuyển lâu, kéo dài nhiều giờ thì có thể uống thêm theo hướng dẫn của thầy thuốc.
4. Thuốc ho
Nên mua thuốc dạng siro chứa thuốc kháng sinh histamin làm dịu ho (kể cả trị nôn ói) cho trẻ; nếu là thuốc trị ho loại viên có chứa codein thì chỉ dành cho người lớn.
5. Thuốc dị ứng
Nếu gia đình bạn có người bị dị ứng thì cần chuẩn bị thêm thuốc chống dị ứng. Có nhiều kiểu dị ứng nhưng phổ biến nhất vẫn là dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn và dị ứng do côn trùng cắn… Bạn nên đến gặp bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp.
6. Thuốc dùng cho bệnh mạn tính
Thuốc dùng cho bệnh mạn tính là thuốc mà bác sĩ đã kê đơn và đã được dùng hằng ngày, ví dụ bệnh tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, hen suyễn, bệnh đái tháo đường, bệnh viêm đại tràng mạn tính, bệnh xương khớp, bệnh gút…
Bên cạnh những loại thuốc kể trên, bạn cũng nên dự trữ một vài miếng băng cá nhân phòng khi chế biến thức ăn bị đứt tay; dung dịch muối loãng, povidine, nước oxy già, bông băng, một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế), thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, trà gừng…