Người bị đột quỵ nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm và dẫn đến tử vong.
- 8 triệu chứng tưởng nhẹ thường bị bỏ qua nhưng lại là dấu hiệu đột quỵ ở phụ nữ
- Những bước quan trọng khi sơ cứu đột quỵ: Chuyên gia cảnh báo khi nhận thấy người có dấu hiệu này hãy làm ngay để cứu sống họ!
Những hiểu biết sai lầm về bệnh đột quỵ
Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi
Nhiều người thường lầm tưởng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, số bệnh nhân ở độ tuổi trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng.
Theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai, trong vòng 20 ngày gần đây, trung tâm đã tiếp nhận 750 ca bệnh nhân đột quỵ. Đáng báo động trong số đó có 60 người có độ tuổi từ 18 – 44, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 10%.
Còn theo chia sẻ của bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, BV Trung ương Quân đội 108, tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Tại Trung tâm Đột quỵ não, BV Trung ương Quân đội 108, trong năm 2020 đã ghi nhận và điều trị trường hợp nhỏ tuổi nhất bị đột quỵ não là bệnh nhi 12 tuổi và nhiều trường hợp khác trong độ tuổi thanh thiếu niên bị đột quỵ não.
Như vậy, đột quỵ không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà những thanh niên khỏe mạnh, thậm chí trẻ em cũng có thể bị đột quỵ.
Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ.
Các chuyên gia cũng lý giải, nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ có liên quan đến bệnh lý tim mạch, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng…
An cung ngưu hoàng hoàn có thể phòng đột quỵ?
Nhiều người cho rằng uống viên An cung ngưu hoàng hoàn có thể phòng và chữa đột quỵ. Nhưng thực tế, các chuyên gia y tế cho biết, viên an cung không có tác dụng phòng đột quỵ như mọi người lầm tưởng.
Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu Nghị, viên An cung ngưu hoàng hoàn không phải thuốc dự phòng đột quỵ. Không nên dùng tùy tiện An cung ngưu hoàng hoàn cho bệnh nhân đột quỵ, nhất là bệnh nhân đột quỵ do chảy máu. Bởi An cung ngưu hoàng hoàn có tác dụng chống đông nên sẽ làm gia tăng chảy máu, rất nguy hiểm cho người bệnh.
Chích máu đầu ngón tay chữa đột quỵ
Nhiều người chia sẻ phương pháp cấp cứu người bị đột quỵ bằng cách dùng kim chích máu ở đầu ngón tay, ở tai người bệnh.
Theo bác sĩ Dương Trung Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, việc chích đầu ngón tay chữa đột quỵ không có cơ sở khoa học nên không khuyến khích. Hơn nữa, việc chích máu ở đầu ngón tay, ở dái tai người bệnh sẽ tạo ra những vết thương và có thể bị nhiễm trùng.
Khi bị đột quỵ, không nên áp dụng các phương pháp truyền miệng hoặc sử dụng thuốc không biết chính xác hiệu quả vì sẽ làm chậm trễ ‘thời gian vàng’ cho điều trị.
Cách sơ cứu người bị đột quỵ
Khi bị đột quỵ, bệnh nhân càng đến các cơ sở y tế muộn thì nguy cơ hồi phục càng thấp. Do đó, khi gặp người bị đột quỵ cần giúp đỡ để đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm nhất.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm:
Yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân
Giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở một bên mắt
Đau đầu dữ dội, đau đầu đột ngột, đau đầu không có nguyên nhân rõ ràng
Chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu có kèm với bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác
Gặp người bệnh có các dấu hiệu nêu trên, cần đánh giá mức độ ý thức của bệnh nhân, nếu bệnh nhân bất tỉnh và thở bình thường, hoặc nếu không hoàn toàn tỉnh táo, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn).
Gọi thêm người hỗ trợ và gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc số điện thoại dịch vụ cấp cứu y tế tại địa phương bạn ngay lập tức.
Điều quan trọng đối với bệnh nhân là được đánh giá càng sớm càng tốt bởi vì điều trị phải được bắt đầu trong vòng 1 - 2 giờ đầu sau đột quỵ nếu máu đông gây tắc mạch não.
- Chăm sóc cho bệnh nhân còn tỉnh:
+ Hỗ trợ bệnh nhân còn tỉnh táo ở một tư thế thoải mái nhất
+ Đắp chăn cho bệnh nhân để làm giảm mất nhiệt nếu thời tiết lạnh
- Theo dõi bệnh nhân:
+ Trong khi đợi xe cứu thương đến hoặc đợi người hỗ trợ đưa bệnh nhân đi bệnh viện, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ nhằm phát hiện bất cứ sự thay đổi tình trạng nào.
+ Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm tình trạng ý thức nào của bệnh nhân, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn).
Tư thế nằm nghiêng an toàn cho bệnh nhân hay tư thế hồi sức cấp cứu là tư thế nhằm để bảo vệ đường thở của bệnh nhân, là ưu tiên cao nhất đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, do trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở.
Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa, người bệnh dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp rất nguy hiểm. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
Tất cả các bệnh nhân hôn mê đều nên được đặt ở tư thế nằm nghiêng an toàn, trừ khi nghi ngờ có chấn thương cột sống: bệnh cảnh chấn thương, liệt chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, tay trên gấp, tay dưới duỗi thẳng ra trước mặt, chân trên co, chân dưới duỗi thẳng. Có thể dùng vải hoặc gối để kê giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế như vậy.