Nước rất cần cho sự sống, uống không đủ nước ảnh hưởng đến chức năng của tế bào cũng như các hệ thống trong cơ thể. Vậy nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày để tốt cho sức khỏe?
- Bỏ lỡ cơ hội sống do tự điều trị ung thư vú bằng thuốc nam
- Bác sĩ cảnh báo 4 nguy cơ sức khỏe khi ăn lẩu vào mùa lạnh
Vai trò của nước đối với cơ thể
Theo chia sẻ của bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước chiếm đến tỉ lệ 70 - 80% trọng lượng cơ thể tùy lứa tuổi, có vai trò vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động của cơ thể.
Nước có tác dụng điều hoà thân nhiệt, giúp cơ thể điều chỉnh phù hợp hơn khi thời tiết thay đổi.
Nước giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, giúp cơ thể đào thải các độc tố qua nước tiểu và phân.
Nước còn làm trơn các khớp xương, giúp xương khớp hoạt động nhịp nhàng, trơn tru và tránh tổn thương…
Đối với quá trình tiêu hoá, nước còn giúp hòa tan các vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Ngoài ra một tác dụng quan trọng khác của nước là giúp phòng chống táo bón do làm tăng quá trình nhu động ruột và làm mềm khối phân.
Chính vì vậy, cần cung cấp đủ nước là điều cần thiết cho sức khỏe nói chung và sức khỏe hệ tiêu hóa nói riêng.

Cung cấp đủ nước là điều cần thiết cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Nhu cầu nước của mỗi người phụ thuộc vào lứa tuổi, cân nặng, mức độ hoạt động thể lực, tình trạng sinh lý, tình trạng bệnh, điều kiện thời tiết. Theo Tháp dinh dưỡng hợp lý cho các lứa tuổi của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cơ bản khuyến nghị với nhu cầu về nước được tính như sau:
- Trẻ em từ 15 – 18 tuổi và người trưởng thành: từ 8 – 12 đơn vị nước/1 ngày (8 – 12 cốc nước/ngày).
- Trẻ từ 12 – 14 tuổi: từ 8 – 10 đơn vị nước
- Trẻ từ 6 – 11 tuổi: 6 – 8 đơn vị nước.
- Trẻ em từ 3 – 5 tuổi: trung bình 6 đơn vị nước/1 ngày
- Phụ nữ có thai: lượng nước tăng theo các giai đoạn của thai kỳ: với phụ nữ có thai 3 tháng đầu tăng thêm 1 đơn vị nước so với bình thường: 9 đơn vị nước
- Phụ nữ có thai 3 tháng giữa: tăng thêm 2 đơn vị nước so với bình thường: 10 đơn vị nước
- Phụ nữ có thai 3 tháng cuối: tăng thêm 3 đơn vị nước so với bình thường: 11 đơn vị nước.
- Phụ nữ cho con bú: tăng thêm 4 đơn vị nước so với bình thường: 12 đơn vị nước.
Trong đó, 1 đơn vị nước tương đương 1 cốc 200ml nước.
Tuy nhiên cần lưu ý với trường hợp phụ nữ có thai bị tiền sản giật (cao huyết áp với protein niệu và/hoặc phù) cần giảm lượng nước đưa vào theo chỉ định của bác sĩ.
Các loại nước nên dùng tốt nhất là nước sạch (đã được lọc và tiệt khuẩn) hoặc nước đun sôi để nguội. Nước trái cây, sữa không bổ sung thêm đường, nước rau luộc và nước canh. Hạn chế cho trẻ uống các loại nước có gas, nước ngọt, các loại đồ uống có nhiều đường.