Không chỉ là món ăn ngon, mát vào mùa hè, mướp đắng còn được coi là vị thuốc đặc trị, cực tốt cho người bệnh tiểu đường.
- Da mặt bị chảy xệ sớm, lão hóa và có nếp nhăn: Đây là 10 nguyên nhân và 2 việc cần làm để ngăn chặn
- Mỹ nhân thể thao chia sẻ 7 động tác giúp người ngồi nhiều, lười tập luyện có vòng 3 săn chắc và bốc lửa
Mướp đắng là loại quả rất phổ biến ở nước ta. Mặc dù sở hữu vị đắng không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng loại thực phẩm này lại giúp kiểm soát lượng đường huyết và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả.
Mọi người có thể sử dụng mướp đắng như thực phẩm chức năng dùng kèm với thuốc trị bệnh. Nhờ công dụng tuyệt vời này, mướp đắng không chỉ là loại quả được tiêu thụ rộng rãi mà còn là một vị thuốc quý.
Tùy thuộc vào sở thích, bạn có thể sử dụng mướp đắng kèm với chanh hoặc táo để dễ tiêu thụ. Một số người còn kết hợp loại quả này với món súp, xào với hành tây và nấu canh. Dưới đây là những tác động tuyệt vời của mướp đắng đối với cơ thể, góp phần kiểm soát bệnh tiểu đường.
Hạ đường huyết
Tăng đường huyết là vấn đề người mắc bệnh tiểu đường cần đặc biệt chú trọng. Bệnh thận, tổn thương thần kinh, bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh tim là một trong nhiều biến chứng tiểu đường bắt nguồn từ tình trạng này.
Các nghiên cứu đến từ Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, chiết xuất từ mướp đắng có thể giảm lượng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường và kiểm soát khả năng dung nạp glucose. Một lượng lớn các chất dinh dưỡng như proteids, triterpene, ancaloit, steroid, chất béo và phenolic trong loại quả này sở hữu đặc tính giúp ngăn ngừa triệu chứng của bệnh. Dưới đây là một số hợp chất nổi bật:
Hợp chất hoạt hóa sinh học charantin trong loại quả này sở hữu đặc tính hạ đường huyết nhờ khả năng kích thích hấp thụ glucose và tổng hợp chúng thành glycogen trong cơ bắp, tế bào mỡ và gan.
Mướp đắng cũng chứa hợp chất lectin giúp kiểm soát đường huyết và có tác dụng giống insulin. Ngoài ra, chất này còn có đặc tính ức chế cơn thèm ăn.
Polypeptide p là một loại protein trong mướp đắng cũng có tác dụng giống insulin.
Theo một nghiên cứu đến từ Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ, tiêu thụ 2mg chiết xuất mướp đắng mỗi ngày sẽ giúp giảm đáng kể lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Dù không đem lại hiệu quả mạnh mẽ như thuốc metformin chuyên dụng, loại quả có vị đắng này lại giúp kiểm soát lượng đường huyết tự nhiên, an toàn cho sức khỏe.
Giảm kháng insulin
Tình trạng kháng insulin xảy ra khi các cơ, chất béo và tế bào gan trong cơ thể không có khả năng sử dụng insulin để hấp thụ và chuyển hóa glucose từ máu. Hiện tượng này sẽ hạn chế dung nạp đường và gây bệnh tiền tiểu đường. Nếu mọi người không cẩn thận, bệnh sẽ phát triển thành tiểu đường.
Theo các nghiên cứu được tiến hành trên động vật tại Trường Y Osteopathic Rowan, mướp đắng sở hữu một số hợp chất có hoạt tính sinh học giúp ngăn ngừa tình trạng kháng insulin và kiểm soát glucose. Nếu có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hoặc được chẩn đoán mắc tiền tiểu đường, bạn có thể chủ động bổ sung loại quả này vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày để góp phần điều trị bệnh.
Kiểm soát chỉ số glycemic và tác động tích cực tới hemoglobin
Xét nghiệm nồng độ hemoglobin A1c giúp người bệnh nhận biết lượng đường huyết trong khoảng 2 - 3 tháng qua. Khi glucose tích tụ trong máu, chúng sẽ liên kết với hemoglobin hiện diện trong các tế bào máu đỏ (RBCs). Tình trạng này sẽ tiếp diễn cho tới khi RBC cuối cùng chết đi (sau 3 tháng).
Edwina Clark, bác sĩ kiêm trưởng khoa dinh dưỡng tại Yummly cho biết, mướp đắng đem lại nhiều tác động tích cực đến nồng độ hemoglobin A1c, từ đó giúp kiểm soát lượng đường huyết. Một nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra, những người mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tiêu thụ chiết xuất mướp đắng dạng viên nén 3 lần mỗi ngày trong 3 tháng đã giảm nồng độ hemoglobin 1Ac đáng kể. Các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng, loại quả này còn có thể kiểm soát chỉ số glycemic.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Ngoài khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu, mướp đắng có thể giúp bệnh nhân tiểu đường ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch. Hàm lượng folate trong loại quả này giúp chuyển hóa homocysteine, một loại axit amin liên quan tới bệnh tim. Do đó, kiểm soát lượng homocysteine sẽ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim và chống đột quỵ.
Một nghiên cứu trên động vật tại Trung tâm nghiên cứu trực thuộc đại học Pennsylvania's Perelman, mướp đắng sở hữu đặc tính giúp hạn chế tích trữ chất béo, ngăn ngừa tình trạng máu nhiễm mỡ. Hơn nữa, tiêu thụ nước ép từ loại quả này còn có thể tăng nồng độ cholesterol tốt.
Hỗ trợ hệ miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường
Mất cân bằng oxy hóa và tình trạng viêm nhiễm mãn tính do bệnh tiểu đường gây nên có thể dẫn tới những tổn thương về thận, mắt, thần kinh và chân. Tiêu thụ mướp đắng sẽ bảo vệ cơ thể bạn khỏi những tác động xấu này. Những hợp chất phenolic như axit gallic, catechin trong mướp đắng sở hữu đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ và hỗ trợ hệ miễn dịch.
Theo Payal Bhandari, bác sĩ kiêm nhà tư vấn y khoa tại Trung tâm Middleberg Nutrition, loại quả này thường được dùng để hỗ trợ điều trị viêm ruột. Một quả mướp đắng đã nấu chín cung cấp khoảng 45% giá trị dinh dưỡng mỗi ngày.
Giúp giảm cân
Những người mắc bệnh tiểu đường thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát trọng lượng cơ thể. Mướp đắng là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn đang gặp phải tình trạng này. Christine Masterson, trưởng khoa chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em tại Tổ chức Summit Medical ở New Jersey cho biết, mướp đắng hạn chế tăng cân nhờ khả năng ngăn chặn quá trình tích tụ mô mỡ trong cơ thể.
Tiêu thụ quá nhiều mướp đắng có thể gây nên một số vấn đề sức khỏe như tiêu chảy, đau bụng. Do đó, mọi người chỉ nên sử dụng tối đa 56gr loại quả này mỗi ngày. Hơn nữa, nếu đang dùng thuốc trị bệnh tiểu đường, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về lượng mướp đắng nên tiêu thụ. Không chú ý tới liều lượng có thể gây phản tác dụng, dẫn tới hạ đường huyết.