Đây chính là những nguyên nhân lý giải vì sao trong mùa đông, dù bạn mặc rất ấm nhưng luôn cảm thấy co ro, lạnh cóng.
- Biểu hiện hình thể tiết lộ nhiều điều về sức khỏe và khả năng làm 'chuyện yêu' của một người
- Đây chính xác là thời gian ngủ cần cho bạn để cắt giảm lượng đường tiêu thụ
Suy dinh dưỡng
Khi cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu cân, kéo theo việc thiếu hụt chất béo cần thiết trong cơ thể. Chính điều này làm bạn có cảm giác lạnh hơn, bởi cơ thể không đủ calories để sưởi ấm. Đồng thời, quá trình trao đổi chất sẽ diễn ra chậm lại và bạn cảm thấy lạnh hơn dù đã mặc nhiều quần áo ấm.
Bệnh tiểu đường
Nếu bạn có tiền sử bệnh tiểu đường thì nên đặc biệt chú ý, bởi người mắc bệnh này thường có lượng đường trong máu cao bất thường. Ngoài ra, căn bệnh này còn có thể gây tổn thương thần kinh, các dây thần kinh ở bàn chân và chân cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, bạn có thể bị tê, đau hoặc ngứa râm ran, lạnh buốt ở chân, nhất là khi thời tiết giảm thấp đột ngột.
Suy nhược thần kinh
Vùng dưới đồi ở não là nơi điều khiển hormone kiểm soát nhiệt độ cơ thể, tâm trạng, giấc ngủ... Và nếu bạn mắc chứng suy nhược thần kinh thì có thể gây ra các hiện tượng như cơ thể giảm nhiệt độ thấp, nhịp tim chậm hơn, đi tiểu thường xuyên, thèm ăn, khát nước, tăng cân đột ngột... Thêm nữa, chứng bệnh này còn dẫn đến các vấn đề sức khoẻ khác như nhiễm trùng, viêm, chấn thương não, rối loạn chức năng vùng dưới đồi...
Thiếu máu
Đây là một trong các nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy lạnh trong mùa đông, nhất là ở khu vực tay và chân. Bởi khi cơ thể thiếu máu thì nó sẽ không có đủ tế bào hồng cầu khoẻ mạnh để cung cấp oxy đến các mô. Do đó, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, hay quên, mất tập trung, nhức đầu... và khi bệnh tiến triển nặng hơn thì bạn còn phải đối mặt với những vấn đề khác như da tái, khó thở, móng tay giòn, tinh thần thiếu minh mẫn, chóng mặt...
Thiếu ngủ
Cơ thể không được nghỉ ngơi đủ sẽ khiến bạn thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, dẫn đến việc mất khả năng kiểm soát nhiệt. Thêm nữa, việc thiếu ngủ cũng sẽ làm giảm nhiệt độ ở khu vực bàn chân và bàn tay, đặc biệt là trong thời tiết lạnh.
Rối loạn tuyến giáp
Thường xuyên cảm thấy lạnh co ro, rét run dù đã mặc nhiều quần áo ấm cũng là một dấu hiệu của bệnh rối loạn tuyến giáp. Lúc này, tuyến giáp không sản xuất đủ hormone nên khiến quá trình trao đổi chất diễn ra trong cơ thể chậm lại và gây ảnh hưởng đến khả năng giữ ấm của cơ thể. Ngoài ra, rối loạn tuyến giáp còn kéo theo các triệu chứng như mệt mỏi, tóc khô, da nứt nẻ, đau mỏi cơ bắp, tăng cân, trầm cảm...