Không những là gia vị phổ biến trong nhà bếp, gừng còn là một loại thuốc cực quý trong Đông y. Vào mùa đông, bạn có thể sử dụng các loại đồ uống làm từ gừng để trị cảm lạnh, cảm cúm hiệu quả.
- Mùa đông chớ dại làm những điều này, coi chừng đột quỵ
- Chăm ăn loại rau rẻ tiền này trong mùa đông: Tốt cho mắt, tim mạch, bồi bổ cơ thể, ngừa ung thư
Theo các nghiên cứu khoa học, gừng tươi có thể chữa cảm mạo, phong hàn, ngạt mũi, nhức đầu, nôn mửa, kích thích tiêu hóa… Gừng khô có thể chữa các chứng đau bụng do lạnh, hay chướng bụng đầy hơi, ho có đờm… Trong nhiều bài thuốc Đông y, gừng thường xuyên được sử dụng.
Đặc biệt, bạn có thể dùng gừng để trị cảm lạnh, cảm cúm vào mùa đông. Sau đây là 2 cách pha chế giúp bạn đánh bay chứng cảm lạnh cảm cúm khó chịu trong những ngày rét buốt mà không cần phải uống kháng sinh.
1. Nước gừng mật ong
Để làm nước gừng mật ong, chúng ta cần những nguyên liệu sau:
- Một nhánh gừng tươi.
- 300ml nước.
- 3 thìa cà phê mật ong.
Cách làm
- Gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ, thái lát hoặc đập dập.
- Cho gừng đã thái lát hoặc đập dập vào cốc, đổ nước sôi vào, ngâm khoảng 10-15 phút.
- Cuối cùng cho mật ong vào, khuấy đều và thưởng thức.
Cách sử dụng nước gừng mật ong
Khi có những triệu chứng của bệnh cảm cúm, cảm lạnh như: hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng… bạn có thể uống nước gừng mật ong 2 lần mỗi ngày. Thời điểm tốt nhất để uống hỗn hợp này là sau bữa sáng và sau bữa tối. Chỉ cần kiên trì uống nước gừng mật ong 1 - 3 ngày, các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm sẽ thuyên giảm và biến mất.
2. Nước gừng muối biển
Để làm nước gừng muối biển, bạn cần:
- Khoảng 50g gừng già.
- 20g muối hạt.
- 1 lít nước lọc.
Cách làm
Gừng chọn củ già, rửa sạch dưới vòi nước và gọt vỏ. Sau đó, dùng cối giã nhỏ. Cuối cùng, cho gừng vào nồi, nấu chung với muối hạt và nước lọc. Khi hỗn hợp sôi, bạn vặn nhỏ lửa, để trên bếp khoảng 5 phút rồi tắt.
Cách sử dụng nước gừng muối biển
Cũng như nước gừng mật ong, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu cảm lạnh, cảm cúm, bạn nên dùng ngay nước gừng muối biển 2 lần mỗi ngày. Kiên trì dùng 1 - 3 ngày, bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nấu cháo gừng vào mùa đông để giải cảm.
Những người không nên sử dụng gừng tươi
Mặc dù có tác dụng rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng dùng được loại nguyên liệu này. Dưới đây là những người không nên sử dụng gừng tươi:
- Những người bị đau dạ dày, đại tràng: Các thành phần của gừng có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, đại tràng và ruột. Nếu đang mắc các căn bệnh về dạ dày, đại tràng, sử dụng gừng tươi có thể khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
- Phụ nữ có thai: Trong những tháng cuối của thai kì, sử dụng gừng tươi có thể làm tăng huyết áp, gây nguy hiểm cho thai phụ.
- Những người bị mắc các căn bệnh về gan, mật không nên sử dụng gừng nếu không muốn bệnh trở nên nặng hơn.
* Thông tin chỉ mang tính tham khảo