Những vết sưng, khối u ở bộ phận sinh dục là gì? Dưới đây, tiến sĩ Dweck giải thích 6 nguyên nhân phổ biến tình trạng xuất hiện khối u ở gần "vùng kín" của bạn.
- Để vùng kín luôn sạch sẽ và khô thoáng trong mùa hè, con gái cần tuân thủ đúng 5 nguyên tắc này
- 9 thủ phạm khiến nam giới đau tức vùng kín
Tiến sĩ Alyssa Dweck, trợ lý giáo sư lâm sàng của sản khoa tại Trường Y Mount Sinai và là đồng tác giả cuốn "V Is For Vagina" chia sẻ trên tạp chí Self rằng có không ít phụ nữ tới văn phòng của cô với nỗi lo lắng về tình trạng sưng hoặc có mụn ở bộ phận sinh dục. Và hầu hết họ nghĩ rằng mình đã bị ung thư. Thế nhưng, trong thực tế, đây lại là khả năng ít xảy ra nhất.
Vậy những vết sưng, khối u ở bộ phận sinh dục là gì? Dưới đây, tiến sĩ Dweck giải thích 5 nguyên nhân phổ biến tình trạng xuất hiện khối u ở gần "vùng kín" của bạn.
1. Bạn bị u nang Bartholin
Đôi khi các tuyến Bartholin bị nghẽn hoặc bị viêm nhiễm, khiến cho dịch ứ lại khá nhiều và trở thành những khối u nang sưng lên.
Tuyến Bartholin nằm ở bộ phận sau của môi lớn âm hộ, cửa mở của ống dẫn tuyến ở mé trong của môi nhỏ âm hộ. Chức năng của tuyến là tiết ra chất nhầy vào trong bề mặt môi nhỏ của âm hộ, giúp bôi trơn khi giao hợp và giữ ẩm. Thế nhưng, đôi khi các tuyến này bị nghẽn hoặc bị viêm nhiễm, khiến cho dịch ứ lại khá nhiều và trở thành những khối u nang sưng lên. Tiến sĩ Dweck nói rằng bà đã từng chứng kiến có chị em bị u nang Bartholin có kích thước bằng quả bóng golf.
Nguyên nhân chính dẫn đến viêm tuyến Bartholin là do vệ sinh không tốt và không đúng cách khiến các vi khuẩn xâm nhập vào cơ quan sinh dục gây viêm. Bên cạnh đó, các bệnh lây qua đường sinh dục cũng là nguyên nhân gây ra viêm tuyến Bartholin. Những gì bên trong u nang Bartholin có thể là chất nhầy trong suốt, mủ hoặc có khi không chứa chất lỏng.
Những u nang này có thể gây đau đớn, nhưng tin tốt là đôi khi chúng tự biến mất sau khi ngâm chúng trong nước ấm trong vài ngày. Nhưng nếu bạn gặp đau đớn hoặc gặp khó khăn khi ngồi hoặc đi bộ thì hãy đi đến bác sĩ phụ khoa. Tùy vào tình trạng của bạn mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
2. Sưng do bạn "dọn dẹp vùng kín" không đúng cách
Để giảm bớt khả năng kích ứng khi loại bỏ lông ở vùng này, tiến sĩ Dweck khuyên bạn nên thay đổi dao cạo thường xuyên và hết sức lưu ý về tính an toàn.
Tiến sĩ Dweck cho biết: 'Cạo, tẩy hay dùng bất kì biện pháp dọn dẹp lông ở vùng kín có thể gây nhiễm trùng ở một số nang lông nhỏ xung quanh âm hộ và tạo ra sưng hoặc những cục u".
Để giảm bớt khả năng kích ứng khi loại bỏ lông ở vùng này, tiến sĩ Dweck khuyên bạn nên thay đổi dao cạo thường xuyên và hết sức lưu ý về tính an toàn hoặc chuyển sang các phương pháp khác. Nếu bị nhiễm trùng, cần đi khám để được xử lý kịp thời, tránh vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
3. Bạn bị u nang bã nhờn
U nang bã nhờn lành tính, thường là các cục u nhỏ có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên âm hộ và thường xuất hiện trên môi âm hộ.
Tiến sĩ Dweck cho biết: "U nang bã nhờn lành tính, thường là các cục u nhỏ có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên âm hộ và thường xuất hiện trên môi âm hộ. Chúng thường có màu trắng, có thể xuất hiện đơn độc hoặc nhiều và thường tự biến mất. Chúng cũng không thường gây tổn thương, đó là lý do tại sao hầu hết phụ nữ tìm thấy chúng trong khi tắm chứ không phải do cảm thấy đau".
Nếu thấy các khối u này sưng lên trong vài tuần mà không giảm kích thước, bạn nên đi khám để tránh những nguyên nhân khác nguy hiểm hơn.
4. Bạn có mụn cóc sinh dục
Những mụn cóc không phải lúc nào cũng xuất hiện như miếng súp lơ nhỏ, đôi khi chúng rất phẳng nên khó nhận ra
Virus u nhú ở người (HPV), loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất, có thể gây ra mụn cóc sinh dục. "Những mụn cóc này không phải lúc nào cũng xuất hiện như miếng súp lơ nhỏ, đôi khi chúng rất phẳng nên khó nhận ra", tiến sĩ Dweck nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bạn có thể truyền mụn cóc sinh dục cho bạn tình ngay cả khi bạn không thấy các triệu chứng bệnh. Mặc dù mụn cóc sinh dục có thể tự biến mất nhưng tốt nhất bạn vẫn nên đi khám để được loại bỏ chúng nhanh hơn.
5. Bạn bị các u mềm lây
Virus gây u mềm lan rộng từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da đang bị nhiễm với nhau.
U mềm lây là một bệnh nhiễm trùng da do virus gây ra với biểu hiện là các thương tổn trên da. Bệnh lây lan rộng do tự lây nhiễm, các vết cào xước hoặc sờ mó vào thương tổn. Bệnh cũng hay gặp ở người lớn có hoạt động tình dục và bệnh nhân nhiễm HIV. Thời gian ủ bệnh khác nhau ở mỗi người, phổ biến trong khoảng từ 4-8 tuần.
Virus gây u mềm lan rộng từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da đang bị nhiễm với nhau. Virus cũng có thể lan rộng qua con đường bề mặt có virus đang ở trên đó như khắn tắm, đồ chơi, dụng cụ thể thao, quần áo… Đôi lúc virus có thể lan rộng sang các cơ quan khác của cơ thể thông qua tiếp xúc hoặc vết trầy xướt hay tiếp xúc tình dục.
Tiến sĩ Dweck cho biết: "Ở một số bệnh nhân có miễn dịch tốt sau vài tháng bệnh tự khỏi. Nếu bệnh kéo dài, bạn cần đi khám để có kế hoạch điều trị phù hợp - có thể liên quan đến thuốc hoặc liệu pháp laser".
Ung thư là trường hợp ít có khả năng nhất nhưng nếu bạn có vết sưng, khối u kèm với các triệu chứng khác như đi tiểu đau, chảy máu âm đạo bất thường, ngứa rát âm đạo kéo dài... thì bạn cần đi khám ngay. Đó có thể là triệu chứng của nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau hoặc cũng có thể là triệu chứng tiềm ẩn của bệnh ung thư ở bộ phận sinh dục.