Theo GS Trần Văn Thuấn, hiện nay bệnh ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, điều tiếc nhất là 70% bệnh nhân ung thư tìm tới bệnh viện ở giai đoạn muộn.
- 7 thói quen người Việt vẫn làm mỗi ngày là nguyên nhân gây bệnh ung thư
- Bé trai 3 tuổi phát hiện mắc ung thư khi đã di căn
70% phát hiện muộn
Theo thống kê của tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAL), mỗi năm ở nước ta có 164.671 số ca mắc mới ung thư, hơn 300.000 người đang sống chung với căn bệnh này.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết tại Việt Nam, bệnh nhân ung thư có tới trên 70% là phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Càng phát hiện muộn thì việc điều trị càng phức tạp, tốn kém và hiệu quả càng thấp.
Ví dụ ung thư phổi, ung thư gan có tới 80% đến 90% số bệnh nhân đến khám, điều trị ở giai đoạn muộn và số bệnh nhân tử vong vì các bệnh ung thư này cũng rất cao. Đặc biệt ung thư gan 90% bệnh nhân chỉ sống được 6 tháng tới 1 năm khi phát hiện bệnh.
Tương tự, ung thư phổi cũng trở nên đáng sợ không kém khi người dân bỏ qua các dấu hiệu của bệnh và khi ho ra máu, đau tức ngực khi bệnh đã xâm lấn và di căn xa.
Với ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam hiện nay có tiên lượng tốt hơn, người bệnh tới khám bệnh sớm hơn nên kéo theo xu hướng mắc có chiều hướng gia tăng qua các năm.
Nếu năm 2013 tỷ lệ mắc ung thư vú chuẩn theo tuổi là khoảng 24,4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tăng lên tới 26,4/100.000 phụ nữ. Ước tính trung bình mỗi năm trên toàn quốc có hơn 15.000 chị em mắc ung thư vú, trên 6.000 trường hợp tử vong, cả nước có 42.000 phụ nữ đang sống chung với bệnh ung thư vú.
Mặc dù được xem là bệnh dễ phát hiện nhất thì cũng có tới 50% bệnh nhân ung thư vú đi khám ở giai đoạn muộn.
GS Thuấn khẳng định, với ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, giai đoạn tiền ung thư thì trên 95% các trường hợp ung thư vú phát hiện sớm điều trị sẽ khỏi bệnh. Thậm chí có những trường hợp tế bào ung thư chưa phát triển chỉ cần phẫu thuật cũng có thể khỏi bệnh, người bệnh không cần các phương pháp điều trị bổ trợ khác.
Sàng lọc là chìa khóa
Ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhưng đây lại là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.
Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là biện pháp tìm kiếm những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư trên những người hoàn toàn khỏe mạnh, chưa có triệu chứng của bệnh. Những bệnh ung thư phổ biến như: ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng, ung thư đại trực tràng, dạ dày, gan, phổi, tiền liệt tuyến... người dân nên tìm hiểu kiến thức và sàng lọc sớm bệnh.
GS Thuấn khẳng định dù các phương pháp điều trị ung thư hiện nay đang ngày càng phát triển, điều trị đa mô thức, có thể điều trị với một hay phối hợp nhiều phương pháp như: phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và điều trị nhắm trúng đích. Nhưng yếu tố then chốt quyết định hiệu quả điều trị là phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.
GS Thuấn khuyến cáo những người trên 40 tuổi cần sàng lọc ung thư sớm hàng năm và có thể sàng lọc trên các bệnh phổ biến, có nguy cơ cao ví dụ phụ nữ sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung. Nam giới chọn sàng lọc ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày.
Dấu hiệu của ung thư rất đa dạng, mỗi bệnh có triệu chứng khác nhau nhưng đặc điểm chung những dấu hiệu dưới đây có thể cảnh báo bạn đang có nguy cơ ung thư cao.
1. Thay đổi tính chất phân hoặc thói quen đi tiểu tiện, đại tiện.
2. Có vết loét không lành.
3. Chảy máu bất thường.
4. Xuất hiện vùng mô dày lên dưới da, có khối u ở vú hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
5. Thay đổi da, bao gồm mụn cóc hoặc nốt ruồi bị thay đổi màu sắc hoặc kích thước
6. Khó tiêu hoặc khó nuốt.
7. Ho khàn tiếng.
8. Giảm sút cân không rõ lý do.
GS Thuấn chia sẻ, điều trăn trở nhất của ông hiện nay là ý thức của người dân, của cộng động về bệnh ung thư chưa cao. Vì thế, cần phải tăng cường các biện pháp chẩn đoán sớm, càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và đơn giản.
Trước hết người dân cần phải có thói quen khám sức khỏe định kỳ; duy trì lối sống lành mạnh tránh xa thuốc lá, không uống rượu bia, đồ uống có cồn, duy trì cân nặng hợp lý, có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn thịt chế biến sẵn, hãy sử dụng kem chống nắng và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng gay gắt.
Bên cạnh đó thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn để góp phần phòng ngừa ung thư.