Bệnh viện Phổi Trung ương vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt khối u phổi ác tính nặng hơn 2kg nằm trong lồng ngực, cứu sống người bệnh 40 tuổi.
- "Quét sạch" mỡ nội tạng nhờ 5 thực phẩm hàng đầu được các bác sĩ Nhật lựa chọn, xếp thứ nhất là loại rau quen nhưng người Việt ít ăn
- Đàn ông có giỏi nhịn “yêu” như phụ nữ, họ có thể “nhịn” được bao lâu?
Thông tin từ Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, các y bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức của bệnh viện này cùng GS.TS Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa phối hợp thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt khối u phổi ác tính nặng hơn 2kg nằm trong lồng ngực, cứu sống người bệnh 40 tuổi.
Trước đó, bệnh nhân là anh L.Đ.H (40 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ho khan nhiều, kèm theo tức ngực, đã đi khám nhiều nơi nhưng chưa phát hiện ra bệnh. Khi tới khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương, người bệnh được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và phát hiện có u xơ đơn độc ác tính của phổi, kích thước khối u to, chiếm hầu hết thể tích lồng ngực bên trái và ngay lập tức được chỉ định phẫu thuật cắt u.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt khối u cho bệnh nhân.
BS.CKII Nguyễn Sĩ Khánh – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, khối u của người bệnh này đẩy tim và động mạch chủ ngực lệch sang bên phải gây xẹp một phần thuỳ trên phổi trái, đồng thời khối u xâm lấn vào vùng rốn phổi bao gồm phế quản gốc, động tĩnh mạch phổi.
Do tính chất phức tạp như vậy nên các phẫu thuật viên phải phối hợp hai đường vào để tạo góc tiếp cận tối ưu nhất, đây là yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình bóc tách khối u khỏi lồng ngực.
ThS.BSCKII Nguyễn Viết Nghĩa – Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ đây là ca phẫu thuật rất phức tạp do khối u có kích cỡ lớn hơn 2kg nằm chỗ khó tiếp cận đến vùng rốn phổi, nguy cơ chảy máu lớn trong mổ rất cao, dễ xảy ra hội chứng suy tim do tái tưới máu lại sau mổ.
Tuy nhiên, bằng sự tâm huyết và nỗ lực của các y bác sĩ, ca phẫu thuật đã thực hiện thành công dù có những lúc phải ngừng ca mổ vì cấu trúc giải phẫu của khối u quá phức tạp. Sau phẫu thuật, người bệnh đã dần hồi phục, đi lại và sinh hoạt bình thường.