Là những món không thể thiếu trên bàn khách ngày Tết, nhưng bánh kẹo, mứt thường bị “tắm” hóa chất độc hại, người tiêu dùng đừng ham rẻ mà chuốc bệnh hiểm nghèo.
- Sắp Tết dọn nhà cũng hãy nhớ thực hiện những điều sau kẻo rước đầy vi khuẩn vào người
- Cô gái trẻ nguy kịch, gan tổn thương vì giảm cân đón Tết theo cách nhiều chị em vẫn làm
Mứt trắng nhờ chất tẩy
Chị Trần Thị Phượng (ngụ Long Thành, Đồng Nai) chia sẻ, mấy năm nay chị vẫn bị ám ảnh về công nghệ làm mứt thủ công mà chị từng chứng kiến tại nhà một người bạn. Từ đó, chị không dám mua mứt tết bán trong bao gói ở các chợ để ăn. Các loại hoa quả sau khi cắt ra được ngâm tẩm, tẩy và rửa sau đó mới cho vào “ngào đường”. Sản phẩm dù ra thị trường trông trắng sạch nhưng quá trình làm thì lại rất bẩn. Hàng tạ mứt này được chuyển đi tiêu thụ ở các chợ.
Anh Đỗ Văn Minh (ngụ Q. Gò Vấp, TP.HCM) thì cho hay: “Mứt tết thường được quảng cáo làm từ nguyên liệu thiên nhiên củ quả như bí, dừa, cà rốt… nhưng khi ăn vào là bụng ậm ạch khó tiêu và lâu đói. Tôi rất lo ngại mứt tết bị tẩm ướp hóa chất bảo quản gây hại sức khỏe”.
Theo TS Phan Thế Đồng, Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng TP.HCM, thực phẩm hiện nay bị bủa vây bởi hàng trăm loại phụ gia khác nhau. Có loại được phép sử dụng nhưng nếu liều lượng dùng không đúng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Bánh kẹo, mứt ngày tết lo ngại nhất là bị “tắm” hóa chất các loại như tẩy trắng, nhuộm phẩm màu và hương liệu, chưa kể tới việc ngâm tẩm hóa chất cho giòn, dai, bảo quản được lâu…
Tẩy trắng thường hay bị áp dụng đối với mứt dừa, bí. Không chỉ ngoài các chợ lẻ mà ngay trong hệ thống siêu thị một số loại mứt cũng trắng bất thường.
Phụ gia tẩy trắng thực phẩm thường sử dụng là sulfur dioxide. Đây là chất có khả năng tẩy trắng không chỉ các sản phẩm tinh bột mà cho rau củ quả nói chung. Chất này có tính oxy hóa mạnh do đó có thể làm mất các vitamin trong sản phẩm.
Đối với sức khỏe con người, chất này có thể gây kích ứng như cay mắt, cay mũi, ngứa da cho công nhân tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt là những người có tiền sử hen suyễn đễ bị khó thở, ngay cả đối với người tiêu dùng. Khi sử dụng liều cao hơn mức cho phép có thể gây rối loạn tiêu hóa đối với một số người mẫn cảm.
Tăng đường huyết, lên men và no giả
TS Phan Thế Đồng phân tích thêm, đối với màu thực phẩm, nhiều loại mứt được nhuộm màu mang sắc xuân xanh đỏ đẹp mắt nhưng hại sức khỏe. Hương liệu nhân tạo thêm vào mứt, bánh kẹo khác hoàn toàn mùi gốc tự nhiên, hương dâu dễ phát hiện nhất. Mùi tự nhiên bao giờ cũng dịu, ngọt hơn. Mùi nhân tạo luôn hắc, mùi đậm hơn. Mùi vani bây giờ cũng là vani nhân tạo không còn vani tự nhiên như xưa.
Thị trường thực phẩm ngày tết đa dạng, hàng kẹo, mứt nhiều nơi bán theo cân ký rất rẻ, nhưng không rõ nguồn gốc. Do đó, người tiêu dùng đừng ham rẻ mà chuốc bệnh hiểm, đồng thời nên “nói không” với những thực phẩm sắc màu sặc sỡ, lòe loẹt.
Theo BS Phạm Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa Thành An (Nghệ An), bánh kẹo, mứt chứa hàm lượng đường cao, khi ăn vào còn gây ra cảm giác đầy hơi, no giả, giảm cảm giác ngon miệng, gây rối loạn tiêu hóa.
“Các chất đường khi vào dạ dày sẽ bị lên men chuyển thành các chất, quá trình này khiến chúng ta có cảm giác no, đầy hơi. Người có bệnh dạ dày sẽ thấy khó chịu. Còn người đường huyết, mỡ máu, tim mạch làm các bệnh nặng hơn. Thời gian chuyển hóa sau khi ăn rất nhanh, khoảng 30 phút đến một tiếng người ăn đã cảm nhận được qua phản ứng của cơ thể”, BS Phạm Thái Nguyên nói.
Đối với các loại bánh kẹo, mứt có chứa chất tẩy càng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe hơn. Các chất tồn dư khi vào dạ dày sẽ bào mòn dạ dày, tăng tiết dịch vị, chất độc đi vào máu gây các bệnh mạn tính. Vì thế, cần tránh các loại bánh kẹo, mứt làm thủ công, không rõ nguồn gốc là tốt nhất.