Việc mua phải các loại thịt lợn không đảm bảo chất lượng, ăn các món từ thịt lợn sống, tái hoặc tiết canh…sẽ dễ bị sán dây lợn xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
- 7 lời khuyên ăn uống sai bét nhưng nhiều người vẫn làm hàng ngày vì nghĩ tốt cho sức khỏe
- 6 thói quen ăn uống mà người mắc bệnh tiểu đường nên sửa ngay để không làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng
Hệ lụy kinh hoàng khi bị bệnh sán dây lợn
Mới đây, qua công tác giám sát, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM phát hiện hơn 100 trường hợp người nhiễm bệnh sán dây lợn ở Bình Phước. Kết quả xét nghiệm đã phát hiện thấy các mẫu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao (50 - 70 nang ấu trùng/kg thịt). Các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng.
Ngay sau khi công bố thông tin trên, rất nhiều người dân hoang mang lo lắng, bởi thịt lợn là loại thực phẩm đang được rất nhiều người dân trên cả nước sử dụng. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, không chỉ ở Bình Dương, ít nhất 55 tỉnh, thành có ghi nhận ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn
Nguyên nhân khiến bệnh sán dây phổ biến rộng khắp cả nước đó chính là do thói quen ăn uống, chế biến thực phẩm của người dân. Đặc biệt là những vùng, địa phương có thói quen ăn thịt chua, thịt lợn tái, nem chạo…
Các chuyên gia Cục Y tế dự phòng cho biết, khi người dân ăn phải thịt có chứa nang ấu trùng hoặc nang sán sẽ gây nên những hệ lụy vô cùng khủng khiếp với cơ thể.
Nếu người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,…
Điển hình như việc, ăn phải thịt có ấu trùng sán lợn, sau khi vào cơ thể ấu trùng đi theo đường máu tới các bộ phận khác nhau. Trường hợp, nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Còn trong trường hợp nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Đối với người ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.
Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nảy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét và ký sinh trong ruột non nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Phòng bệnh từ thói quen ăn uống
Khi mắc bệnh sán dây lợn cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời mới mang lại hiệu quả. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi. Thuốc điều trị bệnh và ấu trùng bệnh sán dây lợn là Praziquantel, Niclosamide và Albendazole.
TS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, để không mắc phải bệnh sán dây lợn, biện pháp tối ưu nhất đó là phòng bệnh từ chính thói quen chế biến và sử dụng thực phẩm hàng ngày.
Theo vị chuyên gia này, tuyệt đối không ăn các thực phẩm sống như tiết canh, thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
Khi mua thịt lợn về cần làm sạch trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi. Đặc biệt, cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần (trẻ nhỏ thực hiện theo khuyến cáo của bác sĩ).
Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột; sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông; người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi; quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn (heo).
TS Từ Ngữ cũng khuyên, khi ra chợ mua thịt lợn, cần phải nhớ những nguyên tắc:
- Không mua thịt lợn có các ấu trùng hình bầu dục. Thịt lợn gạo thường chứa các ấu trùng nằm ở các miếng thịt, có ấu trùng dài tới 9 mm, màu trắng đục, bên trong chứa dịch thể và đầu sán.
- Khi thái thịt, có thể cắt thịt theo thớ dọc, nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán.
- Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày, có màu trắng trong đến trắng ngà, ăn giòn, không ngấy như thịt lợn tăng trọng. Ngược lại, thịt lợn siêu nạc có lớp mỡ mỏng, lỏng lẻo, tách rời nạc và mỡ.
- Khi còn sống, thịt lợn siêu nạc có mùi tanh hơn thịt lợn sạch.
- Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, thịt lợn siêu nạc có màu đỏ đậm khác thường, sáng bóng, có thể xuất hiện những đốm đỏ ngoài da.