Đi tiểu nhiều, trong vòng 1-2 tuần đã giảm 5-6 kg nhưng sau đó là nhập viện điều trị suy thận là tình trạng chung của nhiều chị em dùng sản phẩm giảm cân "thần tốc"
- Nhiều chị em phát sốt với trào lưu giảm cân bằng nước ép dứa, chuyên gia khuyến cáo hãy cẩn trọng!
- 2 chất cấm có trong trà giảm cân Golean Detox nguy hiểm thế nào?
Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin một phụ nữ ở Ấn Độ nhiễm độc gan và tử vong nghi do dùng thực phẩm chức năng để giảm cân.
Giảm thần tốc, chết càng nhanh
Theo thông tin này, ca nhiễm độc gan nghi do dùng thực phẩm chức năng của hãng T. Nạn nhân là một phụ nữ 24 tuổi, có bệnh mạn tính suy tuyến giáp trước đó và đang dùng thuốc điều trị. Người này đã dùng 3 sản phẩm giảm cân của hãng T. và sau 2 tháng sử dụng thì xuất hiện những triệu chứng như chán ăn, vàng da, mẩn ngứa. Xét nghiệm cho thấy tình trạng gan có dấu hiệu bất thường, sau đó chuyển nặng. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Kết quả phân tích thành phần của loại thực phẩm chức năng mà nạn nhân sử dụng cho thấy các sản phẩm đều chứa kim loại nặng, như chì và thủy ngân, cùng nhiều hợp chất nguy hiểm khác.
Cách đây không lâu, Bệnh viện (BV) Bình Dân TP HCM liên tục tiếp nhận 3 phụ nữ đến cấp cứu do suy thận nặng. Đi tìm nguyên nhân, các bác sĩ (BS) xác định họ mắc chung một bệnh sau khi dùng sản phẩm giảm cân.
Điển hình là chị T.T.M.N (22 tuổi, ngụ Bình Dương) vào viện trong tình trạng người sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, khoang màng phổi có nhiều dịch, suy gan cấp, chức năng thận suy. Dù được các BS Khoa Lọc máu - Nội thận BV Bình Dân cứu kịp tính mạng nhưng chức năng thận của cô gái trẻ không thể hồi phục, phải lọc máu định kỳ.
Chị N. cho biết viên giảm cân chị dùng được một người quen chia sẻ lại nên không rõ nguồn gốc mà chỉ nghe nói đây là loại thuốc thảo dược, uống vào có thể làm giảm cân, đẹp da. Mua 250 viên với giá 500.000 đồng uống liên tục trong 1 tháng, thời gian đầu, chị N. đi tiểu nhiều hơn và giảm được khoảng 6 kg. Sau đó, chị N. thường xuyên thấy mệt mỏi, mất ngủ, phù 2 mắt, lan ra cả mặt rồi đến tay chân nên được người nhà đưa đi BV.
Chuốc họa vì mua sản phẩm qua mạng
Trào lưu mua hàng qua mạng xã hội đang khiến nhiều người gặp họa. Mới đây, tại Hà Nội, cô gái V.T.H (19 tuổi, ngụ Hà Nam) bị bạn bè chê béo nên đã mua một loại trà (một dạng thực phẩm chức năng) được rao bán trên mạng xã hội, có tác dụng giảm cân siêu tốc. Sau khi uống khoảng 2 tuần, cô gái này giảm được 5 kg nhưng sau đó bắt đầu rơi vào trạng thái mệt mỏi, khát nước, chướng bụng, người lả đi và được người nhà đưa tới BV Nội tiết trung ương cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng đường huyết trong máu tăng, men gan tăng hơn 30 lần so với mức bình thường, tế bào gan tổn thương; có dấu hiệu của suy gan, suy thận.
Trong khi đó, tra cụm từ "trà giảm cân" trên mạng chỉ trong vòng 0,27 giây đã cho gần 1,2 triệu kết quả khác nhau với những lời quảng cáo nổ tung trời về loại "thần dược" giảm cân thần tốc. Với công dụng có thể giảm tới 10 kg/tháng mà không phải ăn kiêng, không cần tập thể dục nên nhiều chị em đã đổ tiền triệu mua về sử dụng.
Đặc điểm chung của các sản phẩm này là làm lợi tiểu, gây mất nước, làm sụt cân nhanh để đánh đúng tâm lý muốn giảm cân thần tốc của nhiều người. Tuy nhiên, một số loại sản phẩm này làm tăng nguy cơ tai biến, huyết áp và đặc biệt nguy hiểm là có độc tính làm phá hủy cầu thận không thể phục hồi.
Theo ThS-BS Lê Thị Đan Thùy, Trưởng Khoa Lọc máu - Nội thận BV Bình Dân, ngoài dùng viên giảm cân, nhiều phụ nữ còn dùng trà giảm cân hoặc bột giảm cân không rõ nguồn gốc. Đáng lưu ý là tình trạng suy thận đều diễn tiến rất nhanh, chỉ sau khoảng hơn một tháng sử dụng các sản phẩm giảm cân này. Biểu hiện dễ thấy là người dùng đi tiểu nhiều hơn bình thường, mất khoảng 10% trọng lượng trong khoảng 1 - 2 tuần và rơi vào tình trạng mệt mỏi, phù toàn thân…
Theo BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế lâm sàng BV Nội tiết trung ương, những trường hợp nguy kịch tính mạng sau uống các sản phẩm trà giảm cân không phải hiếm gặp. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây ra tình trạng mất nước, tiêu chảy, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến tính mạng.
Các BS khuyến cáo việc giảm cân nên kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường vận động và cần có thời gian để cơ thể giảm cân từ từ. Người muốn giảm cân chỉ nên sử dụng các sản phẩm hỗ trợ có thành phần, xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng cũng như có sự tư vấn và theo dõi của BS.
Nhiều thuốc giảm cân chứa chất cấm
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian qua, cục liên tục có các quyết định về việc tạm dừng lưu thông và thu hồi đối với nhiều lô sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trà thảo mộc, thuốc giảm cân đông y gia truyền vì phát hiện có chất Sibutramine và Phenolphthaleine bị cấm sử dụng, gây hại tới sức khỏe người sử dụng.
Sibutramine là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp. Vì vậy, hoạt chất này được liệt vào danh sách chất cấm.
Phenolphthaleine từng được sử dụng trong điều trị táo bón. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy hoạt chất này có khả năng gây ung thư. Vì vậy, FDA (cơ quan quản lý thuốc, thực phẩm Mỹ) cấm lưu hành các loại thuốc điều trị táo bón có chứa chất này từ năm 1999. Thậm chí, Phenolphthaleine hiện không có trong thành phần hoạt tính của bất cứ loại thuốc nào đang được sử dụng ở Mỹ.
Tới đây, Cục An toàn thực phẩm và các đoàn kiểm tra liên ngành địa phương sẽ tập trung kiểm tra nhóm sản phẩm hỗ trợ bảo vệ sức khỏe; trong đó đặc biệt chú ý kiểm tra các sản phẩm hỗ trợ sinh lý, nội tiết, xương khớp, tiểu đường, tim mạch và giảm béo. Các sản phẩm không đạt chất lượng sẽ được thông báo công khai để người dân biết.