Gan nhiễm mỡ là bệnh lý phổ biến trong xã hội hiên đại. Lối sống công nghiệp khiến tình trạng gan nhiễm mỡ ngày càng tăng.
- BS khuyên cách ăn để chữa 5 bệnh mãn tính, đặc biệt là gan nhiễm mỡ ai cũng nên tham khảo
- Dấu hiệu sớm “tố” bạn đã bị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ con đường dẫn tới ung thư gan
Theo giáo sư Đào Văn Long – Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai bình thường, lượng mỡ trong gan chiếm từ 0,8 đến 1,5% và tồn tại dưới dạng các phân tử nhỏ không quan sát được bằng kính hiển vi quang học.
Tuy nhiên, khi lượng mỡ trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan và tích lũy dưới dạng các hạt triglyceride thấy được dưới kính hiển vi quang học thì đây được xác định là bệnh lý gan nhiễm mỡ hay còn gọi là gan thoái hóa mỡ.
Giáo sư Long cho biết, gan nhiễm mỡ ngày càng gia tăng và đây là bệnh lý phát triển âm thầm, thường không có triệu chứng gì. Người bị gan nhiễm mỡ thường được phát hiện 1 cách tình cờ khi kiểm tra máu, làm siêu âm hoặc đo độ đàn hồi của gan.
Khi gan nhiễm mỡ ở giai đoạn 1, lượng mỡ trong gan chiếm từ 5-10% tổng trọng lượng lá gan. Đây được xem là giai đoạn nhẹ, lành tính, không nguy hiểm.
Khi lượng mỡ trong gan chiếm từ 10 - 20% tổng trọng lượng lá gan, bác sĩ xác định người bệnh đang ở giai đoạn hai của bệnh gan nhiễm mỡ.
Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện rõ hơn như chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn và cảm thấy mệt mỏi thường xuyên. Đây là giai đoạn nguy hiểm, nặng nhất của gan nhiễm mỡ. Từ đây, bệnh hoàn toàn có thể biến chứng thành xơ gan, ung thư gan một cách nhanh chóng.
Tỷ lệ mỡ trong gan lên đến hơn 30% tổng trọng lượng của gan là biểu hiện đặc trưng của bệnh gan như đau tức hạ sườn bên phải, vàng da, vàng mắt, u mạch nổi lên trên da, chán ăn, mệt mỏi, sút cân nhanh chóng...
Có hai thể gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu. Gan nhiễm mỡ do rượu là việc gan bị nhiễm độc trong quá trình phá bỏ hoặc lọc bỏ rượu để đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Còn gan nhiễm mỡ không do rượu có thể đến từ nhiều tác nhân như béo phì, giảm cân đột ngột, suy dinh dưỡng, lạm dụng thuốc điều trị, tiểu đường…
Khi bị gan nhiễm mỡ nếu ở giai đoạn đầu thay đổi lối sống là cách tốt nhất.
Giáo sư Long cho biết, thay đổi lối sống bằng các chế độ ăn và thể dục là phương pháp tốt nhất đối với người bị gan nhiễm mỡ không do rượu.
Nguyên tắc: Nên ăn ít một chút so với sức ăn của bản thân. Ví dụ, sức ăn 10 chỉ nên ăn 8-9; cần hạn chế đường, chất béo, muối và rượu; Hạn chế ăn các loại thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt chó… Tập thể dục bằng vận động vừa phải trung bình 1 giờ mỗi ngày (tối thiểu là 30 phút).
Ăn gì khi bị gan nhiễm mỡ
Cách ăn uống cho bệnh gan nhiễm mỡ, theo bác sĩ Hoàng Ngọc Năng – Bệnh viện Medlatec khi bị gan nhiễm mỡ, người bệnh nên ăn nhiều các loại rau củ quả như nhóm rau lá xanh gồm rau cải, súp lơ xanh, rau ngót, bắp cải, diếp cá,… có công dụng thanh nhiệt mát gan.
Nhóm rau củ có màu đỏ như cà rốt, cà chua, củ dền có tác dụng lợi tiểu. Bên cạnh đó, bổ sung các loại trái cây giúp cung cấp nhiều vitamin hỗ trợ đề kháng, giảm gốc tự do.
Các loại trà là thức uống giàu dinh dưỡng có khả năng làm tăng tính đàn hồi thành mạch, giảm cholesterol máu. Đặc biệt, hoạt chất polyphenol và catechins trong trà xanh có khả năng chống oxy hóa mạnh và phòng chống nguy cơ tích mỡ ở gan.
Trong chế độ ăn hàng ngày theo bác sĩ Năng nên thêm hành lá vì các chuyên gia tại Viện y học Hàn Quốc đã thực hiện nhiều nghiên cứu và phát hiện hành lá có tính kháng viêm cao, giàu vitamin nhóm A, B, C, hạn chế lượng đường trong máu và có khả năng giảm mỡ hiệu quả.
Bổ sung hành lá vào bữa ăn hàng ngày của bệnh nhân gan nhiễm mỡ sẽ giúp khôi phục các chất chống oxy hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm và ung thư.
Khi bị gan nhiễm mỡ mỡ, người bệnh nên hạn chế các hoa quả rất khó tiêu như mít, sầu riêng.. các loại gia vị như tỏi, tiêu, ớt, gừng, riềng. Những chất này ảnh hưởng đến hoạt động của gan và cơ quan tiêu hóa trong khi cơ chế hoạt động của gan đã suy yếu do bệnh gan nhiễm mỡ, khó chuyển hóa và lọc thải.