Đây là thông tin được BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ tại cuộc thảo luận chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành về sốt xuất huyết tại TP.HCM ngày 26/9.
- Sau nhiều ngày mưa lớn, kiểm tra ngay 4 vị trí trong nhà tránh rước bệnh vào người
- Bắn dây thun vào cổ tay: Nguy cơ tổn thương mạch máu, ảnh hưởng tâm lý
Theo bác sĩ Chính, VNVC triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản sản xuất tại Đức, phòng đủ 4 tuýp huyết thanh virus gây bệnh gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Đây là vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam, phác đồ tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
Vắc xin sốt xuất huyết được nghiên cứu và phát triển trong 45 năm, thử nghiệm dựa trên dữ liệu từ hơn 28.000 người tham gia. Vắc xin sử dụng khung di truyền của tuýp DEN-2 giảm độc lực để đảm bảo bao phủ đầy đủ các tuýp còn lại, đây cũng là tuýp virus thường gây bệnh nặng.
Vắc xin sốt xuất huyết đáp ứng đầy đủ các hướng dẫn về thử nghiệm lâm sàng của WHO để đảm bảo hiệu lực và tính an toàn. Vắc xin có tác dụng chống nhiễm hơn 80% với cả 4 tuýp huyết thanh sốt xuất huyết và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện do sốt xuất huyết, với tỷ lệ hơn 90%. Đặc biệt, vắc xin còn phòng bệnh cho người từng mắc sốt xuất huyết bởi một người có thể mắc bệnh 4 lần, lần tái nhiễm sau thường nặng hơn lần trước.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, sốt xuất huyết lưu hành ngày càng phức tạp, lan rộng và diễn ra quanh năm không còn theo mùa. Sốt xuất huyết gây ra các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Các đối tượng có nguy cơ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết gồm trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính, béo phì… Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu.
“Bệnh khó kiểm soát nguồn lây bởi người mắc sốt xuất huyết có thể không biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng. Theo nghiên cứu, 80% người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm sốt xuất huyết. Bệnh nặng khó dự đoán trước, có thể phát triển mà không có dấu hiệu cảnh báo. Nếu không có vắc xin, chúng ta chỉ ‘đi theo đuôi’ sốt xuất huyết”, bác sĩ Khanh nói.
Ở góc độ dịch tễ, tại cuộc thảo luận, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sốt xuất huyết không chỉ gây gánh nặng, áp lực cho bệnh nhân, gia đình mà còn cho hệ thống, nhân lực ngành y tế. WHO đánh giá sốt xuất huyết là một trong những mối đe dọa hàng đầu. Do đó, cần bổ sung các biện pháp phòng tránh chủ động hơn.
Theo bà Tiến trước đây, khi chưa có vắc xin, biện pháp phòng bệnh chủ yếu diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Tiêm phòng vắc xin sốt xuất huyết là bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống bệnh nguy hiểm này.
“Vắc xin cùng với các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết trong sự hợp tác liên ngành và cộng đồng sẽ giúp Việt Nam tiến gần đến mục tiêu ‘Vì một Việt Nam không còn ca tử vong vì sốt xuất huyết’ mà Bộ Y tế đặt ra”, bà Tiến kỳ vọng.
Hiện sốt xuất huyết hiện không có phương pháp điều trị đặc hiệu, trọng tâm là phát hiện sớm và điều trị các triệu chứng.
Theo bác sĩ Chính, VNVC có gần 200 trung tâm, hơn 10.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống kho lạnh và hệ thống xe lạnh vận chuyển vắc xin chuyên nghiệp đạt chuẩn GSP. VNVC còn có thể tổ chức các đội tiêm lưu động đến các trường học, doanh nghiệp, khu dân cư… với quy trình tiêm chủng an toàn cao nhất để kịp thời bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và người lớn trước chu kỳ đỉnh dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 10 hàng năm.
PGS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho rằng vắc xin sốt xuất huyết là biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu, dành cho số đông. Các kết quả nghiên cứu cho thấy đây là vaccine an toàn và dùng được cho trẻ em là đối tượng nhạy cảm và tỷ lệ mắc sốt xuất huyết rất cao. Ông kỳ vọng khi số người sử dụng vắc xin tăng lên cùng với các biện pháp khác, chắc chắn rằng trong một thời gian ngắn, gánh nặng do sốt xuất huyết gây ra đối với cộng đồng sẽ giảm đáng kể.