Chấn thương sọ não hoặc các bệnh về não gây tổn thương não là những nguyên nhân gây ra bệnh động kinh. Đặc biệt, đột quỵ có thể để lại di chứng động kinh ở người trên 35 tuổi.
- Bụng to như mang thai 7 tháng, người phụ nữ đi khám phát hiện khối u khủng
- Dùng chảo chống dính khi nấu ăn, chuyên gia khuyến cáo điều quan trọng để tránh nguy cơ gây hại sức khỏe, ung thư
Theo ThS.BS Cao Thị Ánh Tuyết, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai, bệnh động kinh là tình trạng rối loạn hoạt động của não do sự phóng điện đột ngột và quá mức của những nhóm neuron thần kinh gây ra những rối loạn chức năng của thần kinh trung ương biểu hiện trên lâm sàng là những cơn co giật (rối loạn vận động) cảm giác, giác quan, thần kinh thực vật... và có thể phát hiện qua điện não đồ.
Tại Việt Nam khoảng 2% dân số bị bệnh động kinh trong đó gần 60% số bệnh nhân là trẻ em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh, có thể do Bẩm sinh; Sang chấn sản khoa; Sốt cao co giật đặc biệt ở tuổi nhũ nhi; Nhiễm trùng thần kinh (viêm não-màng não); U não, chấn thương sọ não hoặc sau phẫu thuật não…
Đi sâu vào phân tích nguyên nhân gây ra bệnh, bác sĩ Tuyết chia sẻ, về yếu tố bẩm sinh, các nhà nghiên cứu đã thấy có sự liên kết một số loại động kinh với một số gen có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với các điều kiện môi trường gây ra động kinh.
Nguyên nhân thứ hai là do sang chấn sản khoa và nguyên nhân trước khi sinh, em bé rất nhạy cảm với tổn thương não có thể được gây ra bởi các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như mẹ bị nhiễm khuẩn, dinh dưỡng kém hoặc thiếu oxy. Tổn thương não này có thể gây ra chứng động kinh hoặc bại não ở trẻ em.
Nguyên nhân thứ ba là do chấn thương sọ não hoặc các bệnh về não gây tổn thương não, như khối u não. Đột quỵ có thể để lại di chứng động kinh ở người trên 35 tuổi.
Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm như viêm màng não vi khuẩn và viêm não virus… cũng có thể là căn nguyên gây ra bệnh động kinh.
Có nhiều loại động kinh nhưng đáng chú ý có hai dạng cơn động kinh toàn thể thường gặp nhất, đó là cơn co cứng – co giật toàn thể và cơn vắng ý thức.
Cơn co cứng và co giật toàn thể là dạng động kinh phổ biến ở người trưởng thành và có những biểu hiện khá rõ ràng, dễ nhận biết nhất.
Ở giai đoạn tiền triệu, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, nặng dần, nhức đầu chóng mặt….khoảng 1 đến 2 giây, bệnh nhân không kịp đối phó và nhanh chóng xuất hiện cơn giật điển hình.
Giai đoạn giật co cứng có thể kéo dài 10 giây đến 60 giây, thân bệnh nhân gồng cứng, hai tay co, hai chân duỗi, đầu ưỡn ngửa ra sau, ngoẹo sang một bên, hai hàm răng nghiến chặt, ngừng thở, sắc mặt tím tái, nhãn cầu đảo ngược lên trên, tiểu tiện không tự chủ.
Giai đoạn giật kéo dài từ 2 đến 3 phút. Các cơ toàn thân giật mạnh và ngắn, có nhịp đều nhau, lúc đầu thưa sau tăng dần và giảm về cuối, hai hàm răng hé mở, lưỡi thập thò, môi mấp máy nên bệnh nhân dễ cắn vào lưỡi , nhãn cầu giật ngược lên trên hoặc đánh sang hai bên.
Và cuối cùng là giai đoạn phục hồi, bệnh nhân tỉnh dần, hoặc rối loạn ý thức không hiểu chuyện gì xảy ra với mình, bệnh nhân trong trạng thái hoàng hôn có thể có hoang tưởng,ảo giác, kích động,… gây nguy hiểm cho người xung quanh. Sau cơn giật bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và không mô tả được diễn biến cơn giật do bị mất ý thức từ đầu.
Còn dạng động kinh thứ 2 là cơn vắng ý thức, thường xảy ra ở trẻ em và hiếm gặp ở người lớn.
Biểu hiện đặc trưng nhất của loại động kinh này là mất ý thức trong khoảng 5 – 15 giây.
Trẻ có biểu hiện nhìn chằm chằm, đôi khi đảo mắt lên trên hoặc đang cầm đồ bỗng nhiên đánh rơi…
Cơn vắng ý thức thoảng qua này khiến trẻ bị động kinh thường khó có thể tập trung học và dẫn đến kết quả học tập sa sút.
Cách tốt nhất để giữ người bệnh an toàn khỏi chấn thương khi động kinh là sử dụng các biện pháp phòng ngừa động kinh, đảm bảo người bệnh được uống thuốc thường xuyên và làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Người thân cần chú ý đến người bệnh và đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu ngay nếu bệnh nhân gặp khó khăn khi thở, cơn co giật kéo dài hơn 5 phút, bệnh nhân tỏ ra đau đớn trong khi co giật, không phản ứng lại những lời gọi của bố mẹ sau khi trải qua cơn co giật khoảng 30 phút…
Để phòng ngừa bệnh động kinh thì việc khám thai thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm các bệnh lý của bà mẹ và tình trạng bất thường của thai gây tổn thương não của trẻ.
Việc nâng cao chất lượng cấp cứu trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế xã, huyện, tỉnh là biện pháp tích cực nhất nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ bị tổn thương não.