Nguy cơ tử vong vì ung thư ruột có thể tăng gần 9 lần nếu một số dấu hiệu "báo động đỏ" bị lầm tưởng là rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh nhân xấu hổ, ngại chia sẻ.
- Cẩn thận nguy cơ mắc ung thư ruột rất cao nếu gặp phải những triệu chứng tưởng như vô hại sau
- Bác sĩ cảnh báo 2 loại 'đau' báo hiệu ung thư ruột, 4 kiểu người nên đi khám sớm
Các số liệu mới được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố một lần nữa cảnh báo cộng đồng về ung thư ruột, dạng ung thư phổ biến thứ 2 tại quốc gia này. Theo đó, đây là một căn bệnh rất phụ thuộc vào việc bệnh nhân được chẩn đoán sớm hay không. Nếu phát hiện ở giai đoạn 1, khả năng sống sót là 93%. Nếu phát hiện ở giai đoạn 4, cơ hội sống chỉ còn 11%!
Xét về tổng thể, người bị ung thư ruột (còn gọi là ung thư đại trực tràng, bao gồm ung thư đại tràng và ung thư đại trực tràng) có cơ hội sống chỉ bằng 59,1% so với người bình thường trong vòng 5 năm. "Điều quan trọng là công chúng nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư ruột, đến gặp bác sĩ của họ không chậm trễ và không lo ngại" – bà Deborah Alsina, giám đốc điều hành Tổ chức Ung thư ruột Anh quốc (Bowel Cancer UK) nói.
5 dấu hiệu "báo động đỏ" mà các chuyên gia khuyến cáo bạn nên nghĩ đến ung thư ruột vốn bị nhiều người lầm tưởng là rối loạn tiêu hóa, hoặc đôi khi vì họ xấu hổ hoặc nghĩ nó nhẹ nên không chia sẻ: chảy máu ở hậu môn hoặc thấy máu trong phân; thay đổi thói quen đi vệ sinh – ví dụ như đi thường xuyên hơn; đau bụng kéo dài hoặc cảm thấy có cục u gì đó trong bụng; mệt mỏi vô cùng, kéo dài; sụt cân. Trong đó, dấu hiệu thấy máu trong phân là đáng lo nhất.
Đó có khi chỉ là biểu hiện của một căn bệnh nhẹ hơn, nhưng bạn không nên chủ quan. Hãy đi khám, đó là cách tốt nhất.
Ngoài ra còn có các dấu hiệu ít phổ biến hơn nhưng không nên bỏ qua: thường xuyên đau quặn bụng, cảm thấy bụng cồng kềnh, đầy hơi; táo bón khó chữa; cảm giác đau bụng đi ngoài vẫn tồn tại sau khi đã "giải quyết".
Với các bằng chứng khoa học mới, Bowel Cancer UK đang vận động giới chức y tế hạ tuổi cần sàng lọc bệnh này xuống dưới 50, vì ở tuổi này, nguy cơ mắc bệnh đã tăng lên nhiều. Ngoài tuổi tác, tiền sử gia đình có người ung thư ruột; có các khối polyp ruột lành tính; bệnh đường tiêu hóa mạn tính, kéo dài như hội chứng ruột kích thích; tiểu đường type 2; lối sống thiếu lành mạnh: hút thuốc, thừa cân và thiếu vận động… cũng khiến bạn rơi vào đối tượng nguy cơ của ung thư ruột.