Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào thì cũng cần đến khả năng phục hồi để sống tích cực và khoẻ mạnh hơn.
- 5 thực phẩm giúp ngăn ngừa lão hoá xương cho người lớn tuổi
- Duy trì những thói quen này để có một vòng ba đàn hồi và săn chắc
Khi chúng ta sống, tồn tại trong một xã hội nào đó thì ai cũng đã trải qua nhiều thử thách dù lớn hay nhỏ trong cuộc đời mỗi người. 'Resilience - Khả năng phục hồi' là một thuật ngữ dùng để chỉ nghị lực vươn lên, đứng dậy sau những lần vấp ngã, biến cố. Đó là khả năng hồi phục tinh thần nhanh chóng sau khi vượt qua những gian khổ hay căng thẳng trong cuộc sống. Thuật ngữ trên cũng bao gồm ý nghĩa của việc bản thân sẽ trở lại trạng thái bình thường sau khi trải qua những điều khó khăn. Từ đó có thể thấy được mỗi cá nhân sẽ trưởng thành, phát triển hơn thông qua khả năng phục hồi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, khó khăn về nhiều thứ trong cuộc sống khiến chúng ta luôn căng thẳng và trằn trọc không yên, ‘khả năng phục hồi’ này là nhu cầu thiết yếu cho mỗi cá nhân tại thời điểm hiện tại khi họ phải chuẩn bị dần nhiều thứ để thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”.
Theo lời khuyên của Tiến sĩ Jessica Jackson - nhà tâm lý học và Tiến sĩ Samantha Boardman - bác sĩ khoa thần kinh mà đài CNBC (đài truyền hình kinh tế Mỹ) đã giới thiệu, bốn thói quen lối sống mà chúng ta có thể thực hiện để tăng sức mạnh tinh thần và khả năng phục hồi của mình.
1. Năm phút mỗi buổi sáng, hãy tự kiểm tra tâm trạng của mình
Nếu bạn không để ý đến những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân, bạn có thể trải qua một ngày rất nhàm chán và khuôn khổ như một con rô-bốt không cần biết đến cảm xúc của mình. Hãy dành một chút thời gian mỗi buổi sáng để lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của bạn. Chỉ cần dành ra 5 phút rồi viết những cảm nhận của mình ra một cuốn nhận ký hoặc tờ giấy nào đó.
Tiến sĩ Jackson khuyên rằng nên bắt đầu bằng những câu hỏi như: “Mình cảm thấy thế nào?”, “Mình cần thứ gì trong hôm nay?”, “Phải làm thế nào để trải qua một ngày như mong muốn?” Nhẹ nhàng ngồi xuống, dành chút thời gian quý báu của mình để suy ngẫm về những câu hỏi này. Điều này sẽ giúp bạn tìm ra những thứ mình cần phải điều chỉnh để thực hiện một cách suôn sẻ trong ngày hôm nay, nhằm mục đích tránh những cảm xúc tiêu cực và căng thẳng.
2. Tạo ra 'những khoảnh khắc nhỏ' từ sự tích cực
Bộ não của chúng ta có khuynh hướng cảm nhận trước được mối nguy hiểm có thể sắp xảy ra nên sẽ thường đặt nặng vấn đề lên những cảm xúc tiêu cực hơn là hướng đến những điều tích cực. Giải pháp cho thói quen xấu này là tạo nên những 'micro-moments - khoảnh khắc siêu nhỏ' từ sự tích cực.
Đó là những thời điểm mà chúng ta dễ lướt qua mà không hay để ý tới, nhưng nó sẽ giúp tìm ra một người hoặc điều gì đó mang lại niềm vui cho chúng ta từ những khoảnh khắc đó. Tiến sĩ Bodman cho biết: “Sợi dây liên kết có ý nghĩa giữa con người với nhau hoặc các hoạt động mang lại cảm giác vui vẻ đóng vai trò như một trung gian điều tiết giữa bản thân chúng ta và sự căng thẳng mà chúng ta chắc chắn gặp phải trong cuộc sống, giúp tăng khả năng phục hồi”.
Dù nói chuyện điện thoại với bạn bè hay nghe những bản nhạc yêu thích, hãy kết hợp những khoảnh khắc tích cực ấy vào cuộc sống của mình.
3. Kiểm tra và nhìn nhận lại thói quen truy cập Internet của bản thân
Mạng xã hội làm tăng các triệu chứng lo âu và trầm cảm ở cả thanh thiếu niên và người lớn, dẫn đến làm suy yếu sức khỏe và khả năng phục hồi cảm xúc của chúng ta. Chúng ta không thể ngắt tất cả mọi tài khoản mạng xã hội cùng một lúc, nhưng Tiến sĩ Boardman khuyên rằng chúng ta nên thường xuyên đánh giá thói quen sử dụng Internet của mình.
Xem xét lại những trang web nào cần bỏ hay những người bạn nào cần xoá bớt hoặc giảm thời gian và năng lượng đã tiêu trong việc sử dụng Internet. Nếu nó không mang lại cho bạn bất kỳ niềm vui nào hoặc khiến bạn cảm thấy tiêu cực hơn, hãy cố gắng loại bỏ hoặc giảm thời gian bạn dành cho nó. Hãy hạn chế lượng thời gian truy cập mạng với mục đích khác ngoài công việc hoặc học tập.
4. Tập thói quen thiết lập ranh giới
Thiết lập ranh giới là một kỹ năng rất quan trọng để hình thành khả năng phục hồi. Bởi vì nó giúp lựa chọn những thứ được cho phép xuất hiện trong cuộc sống của bạn. Tiến sĩ Jackson nói: “Đặc điểm của khả năng phục hồi là đặt nhu cầu của một người lên ưu tiên hàng đầu.”
Ví dụ, bạn đã lên lịch hẹn ăn tối với một người bạn, nhưng hôm đó bạn cần ở nhà thư giãn vì trải qua một ngày mệt mỏi, bạn không cần phải cảm thấy có lỗi về việc dời lịch và hẹn qua ngày khác.
Đấu tranh tư tưởng về ranh giới bạn đặt ra ban đầu có thể cảm thấy đáng sợ và không thoải mái. Nhưng dần dần việc bạn có thể chia sẻ cảm xúc và nói 'không' trong tâm lý không cảm thấy tội lỗi thì điều đó có nghĩa là bạn đã biết cách không làm lãng phí 'năng lượng có hạn' của bản thân vào những việc gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của mình. Điều quan trọng là phải biết giới hạn và ranh giới của bản thân và tôn trọng những cảm xúc này trước khi chạm đáy cảm giác kiệt sức.