Dịch bệnh do COVID-19 diễn biến phức tạp dẫn đến trên mạng xuất hiện nhiều nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, diệt virus, diệt COVID-19.
- Pháp ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19, đã có 4 người chết ngoài Trung Quốc
- Bác sĩ điều trị COVID-19: Cạo trọc đầu cho khỏi vướng, đeo bỉm để không phải đi vệ sinh
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đang diễn ra tại Vũ Hán – Trung Quốc và đã có một số ca bệnh liên quan tại Việt Nam, nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với công dụng hỗ trợ tăng cường sức đề kháng đã quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, internet quá công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, “diệt virut, diệt COVID-19”.
Trước các thông tin quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có công dụng hỗ trợ sức khỏe không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng diệt virus, trị cảm cúm…
- Người dân khi mắc các triệu chứng: Sốt, ho phải đến gặp bác sĩ để khám và nhận được chữa trị kịp thời, tránh mất đi “thời gian vàng” trong điều trị bệnh.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, quảng cáo thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 4 Điều 70 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.00.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc cải chính thông tin.