Nhiều người thường bỏ bữa với mục đích giảm cân, đặc biệt là bữa sáng và bữa tối. Tuy nhiên, việc cắt bớt các bữa ăn có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Bỏ bữa sáng hay bữa tối ảnh hưởng tới tuổi thọ hơn?
Theo tạp chí sức khỏe Prevention, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cho thấy người bỏ bữa sáng có liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn, trong khi bỏ bữa tối có liên quan đến nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi thói quen ăn uống, tình trạng sức khỏe và hồ sơ tử vong của hơn 24.000 người tham gia nghiên cứu từ 40 tuổi trở lên trong vòng 8 năm.
Kết quả cho thấy so với việc ăn 3 bữa một ngày, những người chỉ ăn một bữa mỗi ngày có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng 30% và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng 83%.
Ăn 2 hoặc 4 bữa trở lên mỗi ngày sẽ không làm thay đổi đáng kể nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch. Trong số đó, những người bỏ bữa sáng có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch tăng lần lượt là 11 và 40% so với người thường xuyên ăn sáng. Trong khi đối với những người bỏ bữa tối, nguy cơ tử vong tăng 16% và tương ứng là 19%.
Bữa sáng và bữa tối thường cách nhau một khoảng thời gian dài. Nếu bỏ bữa sáng, cơ thể sẽ không được cung cấp kịp thời các chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết. Nếu bỏ bữa tối, cơ thể sẽ thiếu năng lượng vào ban đêm.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và quá trình trao đổi chất trong cơ thể mà còn có thể gây ra một loạt phản ứng sinh lý bất lợi như khó chịu ở đường tiêu hóa. Nói cách khác, bỏ bữa sáng và bỏ bữa tối đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Những người ăn ít hơn 3 bữa một ngày, đặc biệt là những người bỏ bữa sáng, có xu hướng có lối sống thiếu lành mạnh hơn, chẳng hạn như chế độ ăn uống kém chất lượng, thiếu tập thể dục, nhiều khả năng ăn lượng lớn thực phẩm cùng một lúc. Kết quả là, họ tương đối dễ bị thừa cân hoặc béo phì và bị huyết áp cao, đây cũng là những yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, nghiên cứu phát hiện ra rằng việc ăn các bữa ăn quá gần nhau (cách nhau chưa đầy 4 tiếng rưỡi) cũng có liên quan đến việc tử vong sớm do mọi nguyên nhân.
Thời điểm tốt nhất để ăn sáng, trưa và tối nếu muốn giảm cân
Thay vì bỏ các bữa ăn trong ngày, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết những người muốn giảm cân có thể thay đổi lịch trình các bữa ăn hàng ngày. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí dinh dưỡng của nhà xuất bản các tạp chí khoa học MDPI, thời điểm của các bữa ăn có thể có tác động rất lớn với những người muốn giảm cân.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã xác định thời điểm tốt nhất để ăn sáng, ăn trưa và ăn tối để tránh bị tăng cân và béo phì. Họ phát hiện ra rằng thời gian tốt nhất để ăn sáng là khoảng 7 giờ sáng, chính xác là 7 giờ 11 phút sáng, theo Goodtoknow.
Bác sĩ Jonathan C. Jun từ Johns Hopkins, cũng đưa ra ý kiến tương đồng. Ông cho rằng 6 giờ đến 9 giờ 45 sáng là thời gian tốt nhất để ăn sáng, theo Fitbit.
Đối với bữa trưa, nghiên cứu này gợi ý giờ ăn trưa tốt nhất là từ 12 giờ 30 đến 1 giờ chiều và 12 giờ 38 là thời điểm tốt nhất, theo Goodtoknow.
Trong khi đó, thời gian tối ưu cho bữa tối là từ 18 giờ đến 18 giờ 30, tốt nhất là 18 giờ 14 phút. Ăn càng trễ càng có hại, bao gồm cả việc tăng cân.
Một nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu đã chỉ ra rằng thường xuyên ăn tối sau 20 giờ tối có thể khiến vòng eo tăng thêm 5cm.
Nghiên cứu của bác sĩ Jun cũng cho thấy ăn tối lúc 18 giờ giúp đốt cháy chất béo qua đêm tăng 10%, so với ăn tối lúc 22 giờ, theo Fitbit.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự khác biệt có thể do cơ thể đã được thiết kế để sử dụng hết năng lượng trong ngày. Mọi hoạt động sẽ chậm lại khi cơ thể chuẩn bị đi ngủ và giảm tốc độ xử lý thức ăn.
Tuy nhiên, thời điểm ăn uống cũng cần phù hợp với thực tế cuộc sống như giờ làm việc, giờ sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Chỉ cần ghi nhớ không nên ăn sáng sau 8 giờ 30 và tránh ăn tối sau 18 giờ 30.