Chỉ sau một vết kiến cắn nhỏ xíu ở đầu ngón tay, thiếu nữ 14 tuổi bỗng rơi vào tình trạng sốc phản vệ với biểu hiện khó thở, tức ngực, vật vã và bất tỉnh.
- 5 thói quen không ngờ gây rối loạn hormone mà con gái chẳng hề hay biết
- Trời rét đậm dễ bị cảm lạnh, hãy làm ngay những điều này để phòng bệnh
Ngày 29-12, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết bệnh viện vừa cứu sống thiếu nữ T.T.H. (14 tuổi, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) bị sốc phản vệ nguy kịch do kiến đốt.
Khoảng 6 giờ 30 sáng cùng ngày, bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng, toàn thân bệnh nhân nổi sần đỏ, thở rít, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp không đo được, phù nề toàn bộ mặt, môi. Người nhà bệnh nhân cho biết khi thiếu nữ 14 tuổi đang ngủ đột nhiên hét lên gọi mẹ do bất ngờ đau nhói tay trái. Người mẹ chạy đến và phát hiện một con kiến gần tay bệnh nhân. Chỉ vài phút sau khi bị kiến đốt, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, tức ngực, nổi mẩn đỏ rồi kích thích, vật vã, bất tỉnh, gọi không đáp ứng, tiểu và đại tiện không tự chủ nên gia đình ngay lập tức đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau hai lần tiêm Adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ), bệnh nhân vẫn trong trạng thái lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng, rít thanh quản, huyết áp không đo được. Bệnh nhân tiếp tục được tiêm Adrenaline tĩnh mạch bằng bơm điện. Khoảng 5 phút sau, bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh, gọi, hỏi có đáp ứng, rít thanh quản giảm, đau bụng, buồn nôn, nôn. Đến chiều ngày 29-12, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi tích cực tại phòng cấp cứu.
Theo các bác sĩ, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.