Tết đến, nhà nào cũng chuẩn bị mâm cao cỗ đầy để đón khách và sum họp gia đình. Tuy nhiên, việc nấu quá nhiều thức ăn dẫn đến tình trạng thừa mứa. Đặc biệt khi bảo quản không đúng cách còn gây hại cho sức khỏe.
- Bảo quản thực phẩm ngày Tết trong tủ lạnh thế nào cho đúng?
- Có nên rửa trứng không, bảo quản thế nào cho đúng?
Hầu hết sau mỗi bữa cơm, mỗi gia đình đều thừa lại một chút thức ăn, trong đó phổ biến nhất là món thịt. Lúc này, chị em nội trợ sẽ bảo quản chúng bằng cách bọc màng thực phẩm và cất vào tủ lạnh. Sau đó yên tâm rằng thịt sẽ được bảo quản an toàn, ngày hôm sau lấy ra làm nóng lại là ăn được.
Tuy nhiên, nếu cứ cất thịt đã chế biến trong màng bọc thực phẩm và tủ lạnh từ ngày này sang ngày khác, bỏ ra làm nóng rồi lại bảo quản lạnh, việc này sẽ gây ra một số vấn đề sức khỏe mà bạn không ngờ đến.
Cất thức ăn thừa ngay khi còn nóng
Nhiều người có thói quen cất thức ăn thừa vào tủ lạnh ngay khi còn nóng để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, việc này không hề có lợi. Thực phẩm nóng sẽ làm tăng nhiệt độ trong tủ lạnh, gây ảnh hưởng đến các thực phẩm khác và làm giảm tuổi thọ của tủ lạnh. Hơn nữa, hơi nước từ thực phẩm nóng sẽ ngưng tụ, tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn phát triển.
Không đậy kín thức ăn khi bảo quản
Thức ăn không được đậy kín khi bảo quản trong tủ lạnh sẽ bị khô, mất mùi vị và dễ bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, nó còn gây mùi khó chịu cho tủ lạnh và ảnh hưởng đến các thực phẩm khác. Ngoài ra, việc phân loại thực phẩm trước khi bảo quản giúp bạn dễ dàng tìm kiếm và sử dụng đồng thời giúp kiểm soát được thời gian bảo quản của từng loại thực phẩm.
Bảo quản thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh
Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt chúng. Vì vậy, thực phẩm chỉ nên được bảo quản trong tủ lạnh một thời gian nhất định. Đối với thức ăn thừa, tốt nhất nên sử dụng trong vòng 2-3 ngày.
Để thức ăn thừa quá lâu ở nhiệt độ phòng
Đây là sai lầm phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm. Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, thức ăn chỉ nên được để ở nhiệt độ phòng trong vòng 2 giờ. Sau thời gian này, vi khuẩn bắt đầu sinh sôi và phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm của những ngày Tết.
Cách bảo quản một số món ăn
- Các loại giò chả có thể để 4-6 ngày trong ngăn mát tủ lạnh; 10 ngày trong ngăn đá
- Các loại thịt bò, gà, heo nên bảo quản tối đa 1-2 ngày trong ngăn mát
- Cơm nên bảo quản trong tủ lạnh 1 giờ sau khi nấu và không nên giữ trong tủ lạnh quá 6 ngày.
- Thịt quay bảo quản được 3-5 ngày trong ngăn mát
- Xúc xích bảo quản trong 7 ngày nếu đã mở gói; 14 ngày nếu chưa mở gói
- Nước hoa quả có thể bảo quản từ 7-10 ngày với hộp đã mở; 3 tuần với hộp chưa mở
- Với các loại hoa quả chuối, táo, cam, dâu,... tuỳ vào độ tươi có thể bảo quản từ 2-3 ngày trong ngăn mát tủ lạnh.
- Thực phẩm tươi sống cần chế biến ngay trong ngày có thể để trong ngăn mát ở 0-3 độ C mà không cần cấp đông.
Lưu ý: Những thực phẩm giàu dinh dưỡng bạn tuyệt đối không cất trong tủ lạnh qua đêm như: rau chín, trứng rán thịt, trứng đúc thịt, canh cua… vì sẽ sinh ra chất độc gây hại cho cơ thể.