Từ trước tới nay, nhiều người truyền tai nhau rằng cho trẻ uống nhiều sữa hoặc ăn nhiều thịt sẽ gây dậy thì sớm. Điều này liệu có đúng?
- Học chơi loại "nhạc cụ này" sẽ giúp phòng bệnh sa sút trí tuệ ở tuổi 60
- Đánh tan mỡ bụng ở độ tuổi "xế chiều" nhờ vào thói quen ăn uống và cách sinh hoạt hàng ngày này
Dấu hiệu dậy thì sớm
Tiến sĩ - Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Phòng khám Nhi - Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tỷ lệ trẻ dậy thì sớm đang ngày càng tăng. Đây cũng là nỗi lo của nhiều cha mẹ. TS. Quỳnh cho biết trẻ dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát trước 8 tuổi ở nữ và trước 9 tuổi ở nam.
Nhiều phụ huynh cho rằng bé gái có kinh nguyệt mới là dậy thì. Nhưng thực tế, dậy thì sớm là sự phát triển của tuyến vú, lông, chiều cao hoặc hormone trong cơ thể (chẳng hạn như mọc mụn trứng cá)...
Ở bé trai, các dấu hiệu dậy thì sớm khó phát hiện hơn. Bé trai có thể có các dấu hiệu kín đáo hơn như phát triển tinh hoàn, dương vật hoặc nổi mụn, phát triển các khối cơ, vỡ giọng, mọc lông nách, lông mu. Trẻ có hiện tượng cương dương vật, xuất tinh vào ban đêm.
Sữa, thực phẩm gây dậy thì sớm?
Từ trước tới nay, nhiều người truyền tai nhau rằng cho trẻ uống nhiều sữa hoặc ăn nhiều thịt sẽ gây dậy thì sớm. Nhưng TS. Quỳnh cho rằng điều này không đúng. Theo đó, nếu trẻ uống quá nhiều sữa, ăn nhiều thịt và không có chế độ vận động hợp lý, trẻ dễ có nguy cơ bị béo phì. Béo phì có thể gây dậy thì sớm.
Nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái đa phần là vô căn. Các bác sĩ có thể làm các xét nghiệm, trong đó có chụp MRI não và thấy rằng 80% bé gái dậy thì sớm không có bất thường tuyến yên, 20% có tiền căn u tuyến yên, viêm tuyến yên. Vì vậy, các bác sĩ coi đó là sinh lý hay dậy thì sớm vô căn.
Ở bé trai, dậy thì sớm có 50% nguyên nhân thực thể đó là các bất thường trên não, 50% còn lại là vô căn có thể do các yếu tố nguy cơ khác như béo phì.
Béo phì là yếu tố được công nhận nhiều nhất liên quan tới tình trạng béo phì. Khi trẻ bị béo phì, mô mỡ tiết chất lestin kích thích tuyến yên gây dậy thì sớm.
Ngoài ra, một số chất có thể gây dậy thì sớm đó là BPA trong nhựa, DDT trong thuốc bảo vệ thực vật, chất phthalates trong mỹ phẩm, sữa tắm… Trẻ dùng mỹ phẩm sớm có thể là tăng nguy cơ dậy thì sớm.
Hậu quả của dậy thì sớm
Thứ nhất, trẻ không phát triển được tối đa chiều cao do hormone sinh dục testosteron, estrogen làm cho xương phát triển nhanh và sụn cốt hoá (đóng đầu xương) rất nhanh, dẫn đến việc trẻ ngừng cao sớm hơn các bạn không dậy thì sớm. Vì vậy, khi con dậy thì sớm, cao sớm, cha mẹ cũng không nên vội mừng.
Thứ hai, sự phát triển quá sớm khi thể chất phát triển nhanh nhưng tri thức của trẻ chưa theo kịp thể chất có thể gây nhiều vấn đề tâm lý cho trẻ, thậm chí trẻ có thể bị lạm dụng tình dục, có thai ngoài ý muốn.
Dậy thì sớm có cần điều trị?
Khi trẻ có dậy thì sớm, bác sĩ sẽ xem xét các chỉ định từng trường hợp. TS. Quỳnh cho biết hiện có 50% trẻ dậy thì sớm cần điều trị.
Dựa trên tuổi trẻ dậy thì, tuổi xương của trẻ, các bác sĩ sẽ xác định chỉ định điều trị cho trẻ. Có trẻ chỉ 6 tuổi nhưng tuổi xương lên tới 11 tuổi.
Khi điều trị, trẻ sẽ được dùng thuốc ức chế dậy thì, trẻ có thể tiêm 1 lần/tháng hoặc 1 lần/3 tháng. Trên thế giới, có các loại thuốc ức chế dậy thì tiêm dưới da để dừng các biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ.
Khi ngưng điều trị, trẻ sẽ dậy thì trở lại. Đa phần trẻ đáp ứng tốt với quá trình điều trị. TS. Quỳnh cho biết thuốc điều trị tương đối an toàn, cha mẹ không nên quá lo lắng khi con được chỉ định điều trị.
Với trường hợp trẻ dậy thì sớm không cần điều trị hoặc quá thời gian điều trị, cha mẹ cũng không nên lo lắng.
Phòng tránh dậy thì sớm cho con
Cha mẹ vẫn chăm sóc trẻ bình thường để tối ưu hoá chiều cao. Đồng thời, cha mẹ cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối các nhóm chất, bớt ăn ngọt, chất béo, bớt uống nước ngọt để hạn chế béo phì. Thêm vào đó, cha mẹ nên bổ sung canxi, vitamin D vào chế độ ăn cho con.
Một điều quan trọng đó là cha mẹ nên cho trẻ vận động thể lực mỗi ngày 40 phút để trẻ tăng trưởng tốt hơn. Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ ngủ trước 10h đêm vì 11h đêm đến 3 – 4h sáng trẻ vào giấc ngủ sâu là lúc cơ thể tiết hooc môn tăng trưởng nhiều.
Cha mẹ cũng nên tạo cho trẻ môi trường thoải mái, hạn chế áp lực để trẻ phát triển tốt – BS Quỳnh khuyến cáo.