Ngày nay, số lượng bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ ở độ tuổi mới trên 20 đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
- Tưởng có hại nhưng không ngờ ăn cay lại tốt cho sức khỏe như thế này
- Từ bỏ ngay 8 thói quen gây hại mà hàng triệu người đang làm vào mỗi sáng
Tổ chức gan của người bình thường có chứa một lượng nhỏ các chất béo như triglyceride, phospholipid, glycolipid và cholesterol với trọng lượng chỉ chiếm 3-5% trọng lượng của gan. Tuy nhiên, việc lượng chất béo vượt quá định mức 5% cũng là dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ .
Nhiều người cho rằng, gan nhiễm mỡ là chứng bệnh "độc quyền" chỉ có ở người lớn tuổi và nhóm người béo phì. Nhưng trên thực tế, có không ít trường hợp ghi nhận các bệnh nhân mắc căn bệnh này lại là những người trẻ mới hơn 20 tuổi.
Ba "thủ phạm" chính dẫn đến gan nhiễm mỡ
Cuốn "Hướng dẫn điều trị bệnh gan nhiễm mỡ Trung Quốc" viết rằng, tỷ lệ mắc căn bệnh này ở người trưởng thành chỉ tính riêng tại Trung Quốc đã lên tới con số 12,5 – 35,4%. Như vậy, tại Trung Quốc nói riêng, cứ ba người lại có một người mắc gan nhiễm mỡ.
Những số liệu trên đã khiến gan nhiễm mỡ trở thành căn bệnh có tỷ lệ người mắc đứng đầu trong các bệnh về gan tại đất nước đông dân nhất thế giới.
Mặc dù gan là nơi các chất béo được tập hợp, vận chuyển và hấp thu, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc cơ quan này có thể chứa đựng một lượng lớn các chất béo. Khi sự vận chuyển chất béo ở gan bị mất cân bằng, nhóm các chất này sẽ tích tụ lại trong tế bào gan và dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, bệnh béo phì, nhiễm độc cồn và tiểu đường là ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Đáng nguy hiểm hơn là, ngày nay số người mắc căn bệnh trên ở độ tuổi trên 20 đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân của thực trạng đáng lo ngại này còn bắt nguồn từ nhiều thói quen sinh hoạt thiếu khoa học như ăn uống tùy tiện, ít vận động, uống quá nhiều rượu…
Bệnh càng nhẹ càng không thể chủ quan
Quá trình gan bị nhiễm mỡ thường diễn ra tương đối chậm. Phần lớn người bệnh ở giai đoạn đầu đều không có triệu chứng rõ ràng. Một số người mắc gan nhiễm mỡ vào thời gian đầu chỉ gặp phải các triệu chứng dễ bị bỏ qua như chán ăn, mệt mỏi, trướng bụng…
Tuy nhiên, giai đoạn đầu của gan nhiễm mỡ lại chính là "thời điểm vàng" để chữa trị dứt điểm và nhanh gọn căn bệnh này. Do đó, người bệnh không nên chủ quan và bỏ qua những triệu chứng bất thường của cơ thể dù là nhỏ nhất.
Nếu không phát hiện bệnh kịp thời hoặc đã phát hiện nhưng không chú tâm chữa trị thì đến khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau nhức vùng gan, buồn nôn , nôn mửa… cũng đồng nghĩa với việc bệnh đã bước vào giai đoạn nặng và khó chữa.
Trong trường hợp không điều trị kịp thời, dứt điểm, căn bệnh này còn có nguy cơ phát triển thành xơ gan, ung thư gan và đe dọa tới tính mạng người bệnh.
Sinh hoạt khoa học là phương pháp điều trị hiệu quả nhất
1. Xây dựng chế độ ẩm thực cân bằng
Tăng cường hấp thu protein: Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ ở mức độ nhẹ nên tăng cường hấp thu protein. Các loại thực phẩm như trứng gà, hải sản, thịt các loài gia cầm như gà, các loại đậu… không chỉ là nguồn cung cấp protein tốt mà còn có thể cung cấp các acid amin quan trọng, cùng với đó là các chất béo có ích và tạo cảm giác no bụng.
Coi trọng chất là lượng của chất béo: Tránh xa các chất béo không lành mạnh, thực phẩm chiên rán, các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng... Trước khi mua thực phẩm, mọi người nên đọc kĩ thông tin ghi trên bao bì sản phẩm để tránh mua phải thức ăn có chứa hydrogenated vegetable oils.
Cùng với đó, bạn cũng nên hạn chế mua các thực phẩm chứa bơ và phô mai để tránh bệnh gan tình nặng thêm và dẫn đến sỏi mật. Dùng dầu oliu khi xào thức ăn cũng là sự lựa chọn tương đối lành mạnh.
Ăn vừa phải các thực phẩm có đường: Kiên trì giảm hấp thu carbohydrate, hạn chế hấp thu đường đơn và đường đôi, ít ăn các thực phẩm chứa đường tinh luyện và bột mì tinh luyện.
Tiêu thụ thực vật sống vừa phải, bao gồm rau củ: Kiên trì mỗi ngày ăn một bữa salad rau, có thể dùng dầu oliu extra virgin, giấm táo và nước chanh nhưng nên tránh các loại đồ trộn chứa chất béo.
Việc chỉ ăn mỗi rau không sẽ chỉ khiến bạn càng đói, đồng thời còn làm rối loạn quá trình chuyển hóa, làm mất ổn định nồng độ đường huyết. Hơn nữa, người ăn chay không hấp thu đủ lượng protein sẽ dễ làm giảm lượng lipoprotein hợp thành, gây cản trở việc vận chuyển chất béo ở tế bào gan, ngược lại càng làm nặng thêm bệnh gan nhiễm mỡ.
Tựu chung lại, người bệnh gan nhiễm mỡ nên điều chỉnh chế độ ẩm thực bằng các loại thực phẩm ít chất béo. Thói quen ăn quá nhiều thịt hoặc quá nhiều nhiều rau đều không tốt, bởi điều quan trọng nhất vẫn là giữ một thực đơn ăn uống cân bằng.
Nếu cần thiết, bạn có thể tìm đến sự tư vấn của các bác sĩ dinh dưỡng để xây dựng thực đơn khoa học. Đặc biệt, người béo phì nên kiên trì ăn các loại thực phẩm ít đường, ít chất béo, tăng cường hấp thu chất xơ và tránh uống rượu.
2. Vận động vừa phải
Luyện tập thể thao định kỳ với cường độ vừa phải có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa và giảm mức insulin trong cơ thể.
Người bệnh gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ chủ yếu nên chọn hình thức vận động cường độ thấp để rèn luyện thể lực và sức bền như chạy chậm, bước nhanh, đạp xe, nhảy dây, bơi, đánh cầu lông, đá cầu, đập bóng, khiêu vũ, aerobic... Các loại hình vận động này không chỉ giúp họ giảm béo mà còn thúc đẩy tiêu hao chất béo trong gan.
Duy trì cường độ vận động trung bình với 4 lần luyện tập/tuần mỗi tuần, tổng thời gian tập luyện ít nhất 150 phút là thích hợp hơn cả. Sau 3-12 tháng thay đổi lối sống lành mạnh, chức năng gan của phần lớn người bệnh gan nhiễm mỡ phần lớn đều có nhiều cải thiện tích cực.
Người bệnh gan nhiễm mỡ và thừa cân ít nhất phải giảm 5% thể trọng ban đầu thì bệnh mới có chuyển biến tốt. Hơn nữa việc giảm cân không nên thực hiện quá gấp rút, thể trọng cơ thể giảm trong một tuần không được vượt quá 1.4 kg, nếu không sẽ khiến chức năng gan bị rối loạn.
3. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Để nắm rõ về tình trạng sức khỏe nói chung cũng như tình trạng gan của mình, bạn nên đến khoa tiêu hóa hoặc khoa gan ở các bệnh viện chính quy để tiến hành làm các xét nghiệm.
Tuyệt đối không nên tự uống thuốc hoặc điều trị bừa bãi, bởi những cách này không những không thể trị bệnh dứt điểm mà còn khiến tình trạng bệnh biến chuyển theo chiều hướng trầm trọng hơn.