Bạn luôn bắt đầu vì tình yêu lớn lao mà đến với nhau. Nhưng khi đã là người một nhà, bạn sẽ thấy chính những điều nhỏ nhặt lại khiến hai bạn dễ xa nhau. Đó cũng là lời giải cho những cặp hôn nhân yêu nhau 10 năm mà ly hôn sau 3 năm chung sống.
- Đàn bà ly hôn: Chồng có thể không có nhưng nhất định phải giữ được 3 thứ này
- Đàn bà ly hôn: Tham tiền thì có gì sai?
Ly hôn vì mẹ chồng
Khi mới về làm dâu, mẹ chồng có thể để ý đến nàng dâu nhiều hơn để chỉ bảo những điều bạn chưa biết, những thói quen sinh hoạt chung, sở thích của mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, đã qua một thời gian dài mà mẹ chồng vẫn tiếp tục để ý và bắt bẻ từng chuyện nhỏ thì nó đã chuyển thành sự xét nét. Điều đó thể hiện mẹ chồng “không ưa”, không hài lòng với mọi chuyện nàng dâu làm nên mới không vừa ý.
Có những bà mẹ chồng không vừa ý với con dâu về học thức, gia thế, hoàn cảnh nên khi tiếp xúc hàng ngày, mẹ chồng thường tỏ thái độ xem thường, không tôn trọng con dâu, cho rằng con dâu không xứng với con trai mình, gia đình mình. Đây là mâu thuẫn không phải hiếm khiến nhiều chị em gặp rắc rối khó hòa hợp với mẹ chồng.
Mẹ chồng không ưa con dâu tất nhiên không muốn cô ta được hạnh phúc, được con trai mình yêu chiều. Vì thế bà mẹ chồng này sẽ tìm mọi cách để hai vợ chồng bạn không có cơ hội gần gũi nhau, hiểu lầm nhau khiến xảy ra những mâu thuẫn, cãi vã và bất hòa. Nếu hai bạn thường xuyên cãi vã mà nguyên nhân từ những lời nói của mẹ chồng thì chắc chắn rằng mối quan hệ này sẽ đẩy mọi chuyện đi rất xa.
Nếu người chồng không đứng trong vai trò trung gian để giải quyết mâu thuẫn thì việc ly hôn của cặp đôi khó tránh khỏi. Trên thực tế, nhiều người con dâu cũng đã phải ly dị vì người mẹ chồng quá quắt lại thêm người chồng nhu nhược. Trong những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, thái độ của người chồng chính là mấu chốt để nàng dâu có quyết định ly hôn hay không.
Nếu chồng bạn yêu thương, bênh vực bạn, biết rằng mẹ mình đã có những hành động không đúng và không đổ lỗi cho vợ, bạn có thể tin tưởng và tiếp tục chung sống dù phải chịu thiệt một chút. Bạn cũng có thể đề nghị ở riêng để bớt va chạm hơn. Nếu chồng bạn là người nhất nhất coi trọng mọi lời nói của mẹ, không phân biệt đúng sai, bắt bạn phục tùng mẹ chồng lại không có phản ứng khi bạn bị coi thường…thì bạn nên ly hôn để giải thoát cho mình. Khi không được cả chồng và mẹ chồng ủng hộ, quan tâm, bạn khó mà có được cuộc hôn nhân hạnh phúc. Có chăng chỉ là những uất ức, căng thẳng kéo dài.
Khi muốn ly hôn trong trường hợp trên, bạn có thể thỏa thuận với chồng để làm đơn ly hôn thuận tình hoặc ly hôn đơn phương nếu như bạn đã không thể chịu đựng được thêm mà chồng không đồng ý ly hôn. Khi ly hôn đơn phương, bạn nên làm rõ căn cứ ly hôn là chồng không thực hiện nghĩa vụ làm chồng, không giúp đỡ, chia sẻ quan tâm bạn để giúp bạn hòa giải những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu khiến bạn bị căng thẳng mệt mỏi, không đạt được mục đích hôn nhân là xây dựng gia đình hạnh phúc, vợ chồng quan tâm, yêu thương và chia sẻ cho nhau…
Ly hôn vì chồng vô tâm
Một người chồng vô tâm sẽ có những biểu hiện như sau: Không quan tâm tới vợ, không nhường nhịn, không hợp tác với vợ trong mọi vấn đề.
Không quan tâm ở đây bao gồm việc không trò chuyện, không chia sẻ, không muốn biết vợ đang suy nghĩ gì, cảm thấy ra sao…Sống cùng nhau, nhìn thấy nhau mỗi ngày có lẽ khiến anh ta cảm thấy nhàm chán và thờ ơ với vợ. Anh ta sẽ không có phản ứng trước bất cứ cảm xúc vui, buồn thậm chí đau khổ nào của bạn. Sống với người chồng như vậy làm cho phụ nữ cảm thấy rất cô đơn, giống như sống với người dưng, không được chia sẻ và trò chuyện. Người phụ nữ sẽ cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình của mình.
Không nhường nhịn vợ: người chồng thường hay nhường nhịn người phụ nữ của mình cho dù cô ấy có sai đi chăng nữa. Thế nên khi một ông chồng “cố sống cố chết” ăn thua với bạn tới cùng, không chịu thua thiệt một ly với bạn chứng tỏ rằng anh ta không trân trọng người phụ nữ bên cạnh mình. Dù cho đó là những chuyện anh ta không đúng nhưng cũng muốn giành phần thắng bằng được chứng tỏ anh ta luôn đặt bản thân mình lên hàng đầu, không còn quan tâm đến xúc cảm của người vợ.
Không có ý muốn hợp tác trong mọi vấn đề: hôn nhân là chuyện của hai người xây dựng và vun đắp. Thế nhưng, anh chồng vô tâm sẽ không thể cùng bạn có những ý tưởng chung. Anh ta không hòa hợp được với bạn, không có ý định cải thiện những vấn đề của bản thân. Anh ta hờ hững và lãnh cảm, bất hợp tác, không muốn vun đắp hôn nhân hạnh phúc với vợ mình.
Và đó chính là nguồn gốc của những khoảng cách giữa vợ chồng, khiến mối quan hệ ngày càng xa cách. Có nhiều nguyên nhân khiến người chồng trở nên vô tâm, không muốn chia sẻ và quan tâm tới vợ. Với những lý do như: vợ không chăm lo bản thân, không quan tâm tới chồng và người chồng vẫn còn tình cảm, vẫn yêu thương vợ con thì bạn nên tìm cách để hàn gắn, chia sẻ và giải quyết những khúc mắc trong đời sống vợ chồng, khiến chồng quan tâm và chăm lo cho gia đình hơn.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân chồng vô tâm là do đã có mối quan hệ khác, đã dành thời gian cho người khác, lừa dối bạn nên không muốn và không dành thời gian cho gia đình thì bạn nên suy xét thật kỹ. Người chồng vô tâm vì đã có người khác, một mối quan hệ ngoài luồng tức là đã phản bội bạn.
Ngoài ra, khi sự vô tâm của người chồng không thể khắc phục được, bạn không thể thay đổi, người chồng luôn thờ ơ với vợ và gia đình thì bạn hãy nghĩ tới chuyện ly hôn với người chồng có cũng như không ấy.
Ly hôn vì chồng ở bẩn
Đây là lý do ly hôn rất tế nhị và ít được thể hiện "công khai" trên các tờ giấy ly hôn. Nhưng đó thực sự là vấn đề khiến nhiều người vợ phải trăn trở. Chồng quá bẩn, ở dơ, không chịu đánh răng, lâu lâu mới tắm, nặng mùi, tăm xỉa vứt lung tung, quần áo không chịu thay.... Đó là những thứ nhỏ nhặt giết chết tình yêu hôn nhân từ lúc nào không hay biết.
Theo tờ The Express UK (Anh), có đến 1/3 các cuộc ly hôn xuất phát từ chuyện cửa nhà bừa bộn. Cho dù đó là vật dụng bừa bãi khắp nơi, quá nhiều bụi bẩn hay không dọn dẹp thỏa đáng, rất nhiều cặp đôi đã trở nên thiếu kiên nhẫn khi sống giữa một đống hổ lốn, lộn xộn.
Bạn có thể sẽ nghĩ, các cặp đôi phải lường được điều này trước khi họ quyết định đi đến hôn nhân chứ. Song thực tế, vấn đề thường chỉ trở nên nghiêm trọng sau vài năm, khi ánh hào quang của tình yêu thủa ban đầu đã không còn. Thêm nữa, vì thời gian đầu, hầu hết mọi người đều khoác lên mình vỏ bọc tốt đẹp nhất nên không dễ nhận ra những “mặt trái” tiềm năng có thể bộc lộ trong tương lai. Tuy nhiên đây lại là lý do không đáng vì cả hai có thể thay đổi, hay ít nhất hơn sẽ làm cho nó bớt bề bộn, nhưng chỉ khi thực sự tỉnh táo họ mới nhận ra điều đó thì đã quá muộn.