Việc tắm hàng ngày cho trẻ sạch sẽ, ngăn ngừa mầm bệnh khác xâm nhập vào cơ thể là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, khi trẻ bị sổ mũi có nên tắm hay không khiến rất nhiều bà mẹ phân vân vì sợ con yêu dễ bị nhiễm lạnh hoặc bệnh trở nên nặng hơn.
- Trẻ sơ sinh bị hắt hơi sổ mũi thì phải làm thế nào?
- Hiểm họa khôn lường từ những chứng hắt hơi, sổ mũi đơn thuần ở trẻ
Khi thời tiết chuyển mùa hoặc vào đông, trẻ nhỏ thường hay mắc các bệnh về đường hô hấp, biểu hiện điển hình là sổ mũi, ho, sốt… Theo kinh nghiệm dân gian, khi trẻ sổ mũi thì nên kiêng nước, kiêng gió, không tắm… Tuy nhiên, quan niệm nuôi con ngày nay rất khác xưa. Vì vậy, không ít các bà mẹ trẻ thường hay xung khắc với ông bà về việc nuôi dạy trẻ, đặc biệt trong việc trẻ bị sổ mũi có nên tắm hay không?
Trẻ bị sổ mũi có nên tắm không?
Thời xưa, việc nuôi dạy và chăm sóc con chỉ toàn dựa trên những kinh nghiệm chỉ lại từ các vị tiền bối đi trước, không hề có cơ sở khoa học. Ngày nay hoàn toàn khác, việc nuôi dạy chăm sóc con rất quan trọng, vì vậy tất cả sẽ dựa theo khoa học, được các bác sĩ và chuyên gia tư vấn.
Vì vậy, khi trẻ bị sổ mũi mẹ vẫn nên tắm rửa thường xuyên cho con. Bởi việc tắm rửa là khâu vệ sinh hàng ngày có vai trò giúp trẻ làm sạch mồ hôi, cơ thể cảm thấy thoải mái, nhanh khỏi bệnh. Nếu kiêng tắm, vệ sinh cá nhân kém sẽ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu và mắc nhiều bệnh cơ hội, khiến bệnh tình của trẻ ngày càng trở nặng. Một số bệnh cơ hội thường gặp nhất là bệnh về da. Do không được tắm, các lỗ chân lông bị bít lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, càng làm tăng nguy cơ nổi mẩn ngứa, hăm.
Tuy nhiên, khi trẻ bị sổ mũi có nghĩa là sức khỏe không được tốt, do đó cần thực hiện tắm đúng cách để bé không bị nhiễm lạnh, không làm cho tình trạng chuyển biến xấu hơn.
Cách tắm đúng cho bé
Khi trẻ bị sốt, cảm cúm, mẹ cần chọn thời gian thích hợp để tắm cho trẻ. Theo đó, mẹ hãy tắm cho trẻ vào các khung giờ 10h-10h30 sáng hoặc 14-15h chiều, lúc này nhiệt độ ngoài trời khá ấm, sẽ không làm bé bị cảm thấy lạnh. Mẹ tuyệt đối không nên tắm cho trẻ sau 16h chiều hoặc tối, bởi thời điểm này nhiệt độ bắt đầu hạ thấp, cơ thể trẻ sẽ dễ bị nhiễm lạnh và có thể bị viêm phế quản.
Bên cạnh đó, mẹ hay đun nước ấm để tắm cho trẻ, hãy kiểm tra nhiệt độ của nước tắm bằng cùi tay hoặc có thể dùng nhiệt kế. Nhiệt độ nước thích hợp tắm cho trẻ vào khoảng 33 độ C - 35 độ C. Trước khi tắm, mẹ hãy chuẩn bị sẵn quần áo, khăn tắm, để khi tắm xong sẽ lau khô cho cơ thể bé và mặc quần áo ngay, tránh tình trạng sau khi tắm mới tìm quần áo, có thể khiến trẻ nhiễm lạnh. Mặc quần áo xong, mẹ hãy cho trẻ ngồi trong phòng kín khoảng 10 – 15 phút rồi mới nên ra ngoài để tránh việc bị cảm đột ngột. Thời gian tắm cho trẻ không quá 5 phút.
Tắm cho trẻ bị sốt thì các mẹ cần đảm bảo theo đúng trình tự sau đây: rửa mặt, mũi, sau đó tắm các bộ phận khác. Khi tắm, mẹ đừng để nước vào mắt trẻ, sau khi tắm vệ sinh tai bằng bông chuyên dụng.
Cách nâng cao sức đề kháng để trẻ không bị sổ mũi
Để trẻ luôn khỏe mạnh, không bị sốt, cảm cúm… khi thời tiết chuyển mùa thì mẹ cần phải tăng sức đề kháng cho trẻ để bảo vệ và ngăn ngừa các tác nhân xâm hại đến cơ thể non nớt của con.
Đầu tiên, mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước mỗi ngày, dù trời nóng hay lạnh. Việc uống nhiều nước sẽ giúp bé có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Bởi nước có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển bạch cần đi khắp co thể, đồng thời đào thải những chất độc hại ra ngoài thông qua bài tiết mồ hôi. Hơn nữa, uống đủ nước còn giúp tăng cường trao đổi chất, giúp tim bơm máu hiệu quả, vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho các tế bào, tăng cường sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh việc, cho trẻ uống nhiều nước, các mẹ cũng cần tăng cường nhiều thực phẩm chứa lợi khuẩn cho con. Loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn chắc chắn không thể bỏ qua chính là sữa chua. Khi ăn một hộp sữa chua ít béo mỗi ngày sẽ giúp bé ngăn ngừa nguy cơ mắc một số bệnh cảm cúm thông thường. Bởi thành phần acid lactic có trong sữa chua giúp gia tăng lợi khuẩn và ức chế các vi khuẩn gây hại cho đường ruột. Từ đây hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giúp cơ thể chống lại các bệnh thường gặp như cảm lạnh, nhiễm trùng tai và viêm họng. Do đó, sau mỗi bữa ăn chính, mẹ nên cho bé ăn tráng miệng bằng một hộp sữa chua nhé.
Tuy nhiên, mẹ không nên cho bé ăn sữa chua cùng với một số thực phẩm chế biến sẵn như: xúc xích, thịt hun khói… vì có thể dẫn đến táo bón, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa… Sữa chua nên bảo quản trong tủ lạnh, không nên hâm hay ngâm trong nước sôi vì làm như vậy những lợi khuẩn có trong sữa sẽ bị tiêu diệt, không còn tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bên cạnh sữa chua, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên mẹ nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như chất xơ, protein, prebiotic, kẽm, khoáng chất… từ thịt bò, thịt nạc, hải sản, các loại đậu, rau xanh đậm… trong các bữa ăn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Đặc biệt là đừng quên cung cấp các thực phẩm giàu vitamin C vào mỗi bữa ăn hàng ngày của trẻ. Bởi vitamin C từ lâu nổi tiếng là “chìa khóa vàng” giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Loại vitamin này có tác dụng loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể, hỗ trợ phát triển hệ xương, răng. Mẹ có thể bổ sung vitamin C cho trẻ thông qua các loại trái cây giàu năng lượng như cam, chanh, quýt, dâu tây, ổi, đu đủ, kiwi, một số loại rau xanh… Mẹ có thể cho bé ăn tươi, ép hoặc xay sinh tố cho bé uống hàng ngày.
Ngoài ra, mẹ cũng hãy thường xuyên cho trẻ uống sữa. Đây là nguồn cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng có tác dụng tăng hệ miễn dịch, tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Do đó, mẹ hãy đảm bảo cho trẻ uống ít nhất 1 cốc sữa/ngày.
Cùng với việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, mẹ cũng cần để ý hơn đến chế độ sinh hoạt để giúp trẻ nâng cao sức đề kháng. Bé cần được ngủ đủ giấc, từ 8 – 11 tiếng mỗi đêm tùy theo độ tuổi. Giấc ngủ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ, chiều cao mà còn nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe cho trẻ. Vì vậy, chỉ khi được ngủ sâu và đủ giấc trẻ mới cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Ngược lại nếu ngủ không đủ giấc sẽ làm cơ thể mệt mỏi, uể oải, dễ bị bệnh hơn.
Việc vận động cũng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Do đó, tùy theo độ tuổi, mẹ hãy khuyến khích trẻ vận động phù hợp để tự tạo kháng thể chống chọi với những tác nhân gây hại. Bé nên vận động ngoài trời sẽ tốt hơn, để được tiếp xúc với ánh nắng, bổ sung thêm vitamin D cho cơ thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng, hấp thu tốt các dưỡng chất, đặc biệt là canxi và photpho.
Chính vì vậy, mỗi ngày trẻ nên dành khoảng 15-30 phút để vận động ngoài trời, vừa giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, thoải mái lại còn tăng cường chuyển hóa – tổng hợp vitamin D.
Qua những thông tin do bài viết trên cung cấp, hy vọng đã giúp các mẹ biết được trẻ bị sổ mũi có nên tắm không. Đồng thời, biết được cách xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung nhiều nước, thực phẩm giàu lợi khuẩn và vitamin C, cũng như xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, không bị vi khuẩn tấn công, gây bệnh.