Con học ngày học đêm điểm thi không bằng trẻ học lực yếu, phụ huynh đăng đàn yêu cầu một việc mà dân tình tranh cãi không hồi kết

Nuôi dạy con 25/11/2021 16:20

"Lúc qua nhà mình chơi mình đưa đề tương tự bé không giải được. Mình thấy không công bằng cho các bé tự lực cố gắng", chị nói.

Song song với việc học trực tuyến do tình hình dịch bệnh, các trường trên nhiều địa phương khắp cả nước cũng thực hiện kiểm tra học kỳ bằng hình thức online. Ngoài việc đảm bảo đường truyền như trong mọi buổi học trực tuyến khác, một thách thức mới với thầy cô và các nhà trường trong đợt thi là đảm bảo công bằng thi cử. Trên thực tế, việc kiểm tra không có sự giám sát của thầy cô, học sinh lớp lớn thì có nhiều cách “đối phó", nhiều hình thức quay cóp trong kiểm tra, với học sinh tiểu học thì đôi khi, tiêu cực xảy ra đôi khi do sự giúp sức của chính... phụ huynh.

Cũng trong tâm trạng ấm ức đó, một phụ huynh mới đây đã chia sẻ quan điểm về chuyện kiểm tra trực tuyến trong một hội nhóm. Theo chị, nên xem xét lại việc thi và kiểm tra online cho học sinh tiểu học. Bé học ngày học đêm thi điểm không bằng 1 bé học lực yếu (thi lại 2 môn chính) vì có phụ huynh ngồi 1 bên giải đề. Đề xuất này ngay lập tức trở thành tâm điểm bàn luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Con học ngày học đêm điểm thi không bằng trẻ học lực yếu, phụ huynh đăng đàn yêu cầu một việc mà dân tình tranh cãi không hồi kết - Ảnh 1
Bé học ngày học đêm thi điểm không bằng 1 bé học lực yếu (thi lại 2 môn chính) vì có phụ huynh ngồi 1 bên giải đề

Theo phụ huynh này, học sinh cùng lớp với con chị thi được 9 điểm. "Lúc qua nhà mình chơi mình đưa đề tương tự bé không giải được. Mình thấy không công bằng cho các bé tự lực cố gắng", chị nói.

Quan trọng điểm số hay đề cao kiến thức?

Câu chuyện của phụ huynh nói trên được nhiều bố mẹ khác đồng tình. Họ cho rằng con mình cũng gặp tình cảnh tương tự: "Tiểu học mà cho thi online dĩ nhiên là đa số học sinh sẽ được bố mẹ, anh chị hoặc người thân hỗ trợ hết bài thi luôn. Nên cho ra lớp thi trên giấy (chịu khó sáng cho thi 50% học sinh của lớp, chiều thi tiếp 50% còn lại). Đó mới là kết quả thực chất của từng học sinh", một phụ huynh bình luận

Tuy nhiên, đa số ý kiến khác cho rằng, ở cấp tiểu học, bố mẹ nên đặt nặng vấn đề con tiếp thu kiến thức được bao nhiêu hơn là quan trọng điểm số. Đánh giá các bé là cả một quá trình học tập chứ không phải dựa vào bài kiểm tra. Nếu năng lực của bé yếu nhưng lúc thi phụ huynh giúp đỡ được điểm cao thì giáo viên cũng chỉ đánh giá học sinh theo mức phù hợp với năng lực của bé. 

 

Chưa kể, việc làm giùm con có thể khiến các bé không nhìn nhận đúng kiến thức của mình, có tính ỷ lại. Nếu điểm không bằng các bạn, nhiệm vụ của phụ huynh không phải đi xem xét so sánh từng điểm thi mà động viên con đã làm tốt, xem đó là động lực để cố gắng hơn là đổ tội cho người khác. Kết quả bài thi cũng là thước đo con học đến đâu, tiếp thu kiến thức ở mức nào để giáo viên nắm bắt có sự điều chỉnh. Việc tạo thói quen trung thực cho con khi làm bài là cần thiết. Bố mẹ phải nhìn thấy tương lai của con, nếu không trung thực trong kiểm tra đánh giá thì vô hình trung sẽ lợi bất cập hại cho chính các con mình.

"Kì kiểm tra này, điểm số không đánh giá chất lượng mà đánh giá ý thức tự học, tự giác của trẻ. Bố mẹ nào giải bài cho con thì xem như điểm thì 10 nhưng ý thức tự học 0 điểm. Giáo viên dạy hàng ngày người ta nắm hết từng em rồi. Phụ huynh làm vậy chỉ dạy thêm cho con sự ỷ lại và tính gian lận trong cuộc sống. Phụ huynh luôn là người đồng hành cùng với thầy cô trong việc học của các bạn nhỏ, trẻ nhỏ là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, hãy suy nghĩ tích cực", chị L.N nêu ý kiến.

"Nếu con thi được điểm tốt nhưng không thực chất thì khi lên lớp sẽ xảy ra tình trạng hổng kiến thức"

Cô Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên tiểu học tại Hà Nội cho rằng, tình trạng không trung thực khi làm bài kiểm tra online đúng là có nhiều khả năng xảy ra hơn so với thi trực tiếp. Đối tượng là học sinh tiểu học thì các thầy cô trông thi dễ dàng hơn vì học sinh không có các “mánh khoé” gì nhiều, các con hầu hết chỉ trông chờ vào người thân nhắc bài ở bên cạnh. 

Chính vì thế ở trường cô Thúy khi thi trực tuyến sẽ yêu cầu học sinh đặt 2 camera, 1 cam quay rõ mặt và tay, 1 cam đặt ở xa quay toàn cảnh và khi thi sẽ phải bật tiếng toàn bộ. Điều này hạn chế được gian lận thi khá nhiều. Có chăng các con sẽ chỉ có thể mở được chút tài liệu để tham khảo nếu quên bài. Nhưng vì thời gian dự tính làm bài đủ cho số câu hỏi, nếu con tham khảo tài liệu quá nhiều sẽ dẫn đến không đủ thời gian làm bài.

 

"Tất nhiên chuyện nhắc bài thi cho con là việc vi phạm quy chế thi nên tôi không đồng tình với việc này. Thực sự thì đề thi online của học sinh thường đã được giảm tải rất nhiều rồi, nên các con chỉ cần nắm được nội dung cơ bản của sách giáo khoa là làm được bài. Bố mẹ chịu khó đồng hành cùng con trong quá trình học online, để biết con còn vướng mắc kiến thức ở đâu và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để giúp con tiến bộ. Nếu con thi được điểm tốt nhưng không thực chất thì khi lên lớp sẽ xảy ra tình trạng hổng kiến thức, khi quay trở lại trường học chắc chắn con sẽ không theo kịp các bạn", cô Thúy chia sẻ thêm.

Có một độ tuổi được xem là nguy hiểm nhất trong cuộc đời trẻ, cha mẹ nhất định phải ở bên uốn nắn nếu không muốn tương lai con mờ mịt, tăm tối

Nhiều cha mẹ hay lưu tâm giai đoạn khủng hoảng lên 2, lên 3 nhưng có một giai đoạn nguy hiểm vô cùng, con cái cần nhiều hơn sự uốn nắn, đồng hành sát sao của phụ huynh.

TIN MỚI NHẤT