Những buồn bã, chán nản ấy cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Nhưng không ai biết được cứ kéo dài như thế này, dài nữa dài mãi, sẽ xảy ra những chuyện gì... Đây chính là một trong những dấu hiệu trẻ bị trầm cảm dưới 12 tuổi.
- Tại sao trẻ lại giả bệnh? Cách ứng xử thông minh của cha mẹ giúp con tin tưởng cho biết ngay lí do
- Cha mẹ nên làm gì khi trẻ chậm nói?
Linh 6 tuổi, là một em bé ngoan. Bố đi làm xa nhà, chỉ cuối tuần mới về Hà Nội. Mẹ là người duy nhất trong gia đình có thể chăm lo mọi thứ cho em hàng ngày. Nhưng công việc của mẹ là kế toán trưởng, áp lực và nhiều việc. Nhiều khi đến 11 giờ đêm mẹ vẫn chưa về nhà.
Hàng ngày, cô bé ở cùng ông bà ngoại. Ông bà tuổi cao sức yếu lại không còn nghe rõ. Ngoài chuyện trông em, cho em đi học và cơm nước, tắm giặt cho em, ông bà không thể làm được gì khác nữa, nói gì đến việc trò chuyện, tâm sự cùng đứa cháu mới 6 tuổi? Nhưng em thì cần hơn thế. Em cần một gia đình có đủ những người yêu thương thường xuyên tâm tình, thủ thỉ với mình.
Không có người tâm sự, em đành phải làm bạn với điện thoại, ipad, với những trò chơi điện tử. Mỗi ngày đi học về, em nhốt mình trong phòng kín. Đến bát cơm bà gọi lên ăn, em cũng bưng xuống phòng vừa ăn vừa chơi điện tử, không buồn giao tiếp cùng ai.
Khi chơi chán, ngước mắt lên nhìn đồng hồ cũng đã 10 giờ đêm, cô bé lẳng lặng đứng ra ban công ngóng xuống. Nhìn vào màn đêm xung quanh, em bật khóc nức nở: "Con nhớ mẹ". Đây thường xuyên là câu nói đầu tiên và duy nhất của em kể từ lúc được bà đón ở trường về.
Những buồn bã, chán nản ấy cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Nhưng không ai biết được cứ kéo dài như thế này, dài nữa dài mãi, sẽ xảy ra những chuyện gì... Nhất là khi mẹ em, bố em, có về nhà cũng toàn vào lúc đã muộn. Vội vàng tắm giặt rồi lên giường đi ngủ cho kịp những bộn bề ngày mai...
Chúng ta đưa con đi khám ngay khi bị ho, ốm... nhưng có mấy ai sốt sắng khi chúng buồn bã, lo âu, chán nản?
Sự thật là như vậy! Trong khi, buồn bã, lo âu, chán nản kéo dài ở trẻ em chính là biểu hiện của chứng bệnh tâm thần. Cứ kéo dài, không kịp can thiệp thì hậu quả thực sự không thể lường trước.
TS Đỗ Minh Loan (Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, sức khỏe tâm thần ở trẻ hiện là vấn đề chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức, đầy đủ.
Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO định nghĩa "sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật" thì dường như cha mẹ đang hiểu chưa đúng và đủ.
Thế nên người ta đều thấy rõ, khi trẻ bị sốt, bị ho, bị bệnh lý thực thể, bố mẹ có thể ngay lập tức đưa con đi khám. Vậy nhưng khi con mình có những bất ổn tâm lý như buồn bã, lo âu, chán nản... thì chúng ta cứ lần lữa, coi nhẹ, đến lúc can thiệp thì đã chậm trễ.
TS Loan rút ra điều này từ thực tế trong quá trình thăm khám cho trẻ. Vị tiến sĩ này đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ có bất ổn về tâm lý kéo dài một vài năm. Đến lúc đó, cha mẹ mới lo lắng đưa đi khám. Thậm chí, không thiếu những gia đình đưa trẻ đi khám khi con đã có hành vi tự sát.
Trẻ buồn bã, lo âu, chán nản là biểu hiện của bệnh trầm cảm, ngoài ra còn có dấu hiệu nào nhận biết?
Theo Webmd, các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em rất khác nhau. Tình trạng này thường không được chẩn đoán và không được điều trị vì các triệu chứng diễn ra như những thay đổi bình thường về cảm xúc và tâm lý.
Các nghiên cứu y học ban đầu tập trung vào chứng trầm cảm "được che giấu", nơi tâm trạng chán nản của trẻ được chứng minh bằng hành động bộc phát hoặc hành vi tức giận. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, nhiều trẻ em có biểu hiện buồn bã tương tự như người lớn bị trầm cảm. Các triệu chứng chính của trầm cảm xoay quanh nỗi buồn, cảm giác vô vọng và thường xuyên thay đổi tâm trạng.
Cụ thể, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm ở trẻ em có thể bao gồm:
- Cáu kỉnh hoặc tức giận.
- Liên tục cảm thấy buồn và tuyệt vọng.
- Xa lánh xã hội.
- Nhạy cảm hơn với sự từ chối.
- Thay đổi về sự thèm ăn, tăng hoặc giảm.
- Thay đổi giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều).
- Hay khóc.
- Thường xuyên mệt mỏi.
- Hay bị đau bụng, đau đầu không rõ lý do.
- Gặp rắc rối trong các hoạt động ở nhà, ở trường, với bạn bè, các hoạt động ngoại khóa...
- Thấy mình vô dụng, tội lỗi.
- Suy giảm khả năng tập trung hoặc tư duy.
- Suy nghĩ về cái chết hoặc có hành vi tự sát, tự tử.
Không phải tất cả trẻ em đều có tất cả các triệu chứng này. Trên thực tế, hầu hết sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau tại các thời điểm khác nhau, trong hoàn cảnh cũng khác nhau.
Mặc dù những biểu hiện, triệu chứng của trẻ bị trầm cảm dưới 12 tuổi tương đối hiếm gặp nhưng chuyện tự tử có thể xảy ra nhiều. Nhất là trẻ đang trong thời điểm quá buồn hoặc tức giận.
Bé gái có nhiều khả năng tự tử hơn bé trai. Trẻ em sống trong gia đình có tiền sử bạo hành gia đình, lạm dụng rượu hoặc lạm dụng tình dục có nguy cơ tự tử cao hơn, cũng như có triệu chứng trầm cảm rõ nét hơn.