Việc bố mẹ nên giữ hay cho con tự cầm tiền lì xì là một câu hỏi lớn đặt ra cho mỗi bậc phụ huynh vào mỗi dịp Tết.
- Kể chuyện cho con trước khi đi ngủ giúp trẻ phát triển như thế nào?
- Những đứa trẻ có nhiều thời gian vui chơi hơn với bố sẽ học hỏi nhanh hơn
Lì xì là một trong những phong tục lâu đời mỗi dịp Tết đến Xuân về. Những bao lì xì đỏ được trao đi và nhận lại như một lời chúc cho sự may mắn suốt cả năm, người lớn có công việc thuận lợi, trẻ em học giỏi, ngoan ngoãn. Trẻ luôn thích nhưng chiếc phong bao này bởi chúng đẹp mắt và số tiền trong bao sẽ được dành để mua đồ chơi hoặc một món đồ mà bé thích.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cảm thấy băn khoăn không biết liệu có nên để trẻ giữ tiền lì xì hay bố mẹ sẽ ''tịch thu'' và dùng vào những việc cần thiết hơn. Nhiều đứa trẻ khi đưa tiền cho bố mẹ tỏ ra không vui, thậm chí tin vào lời hứa rằng sẽ mua quà của người lớn nhưng sau đó lại chẳng được gì cả. Có bố mẹ lại giải thích tiền này là để mua thức ăn, đồ dùng hàng ngày, và có trẻ phản kháng: ''thế con không ăn cơm nữa, con chỉ cần tiền thôi''.
Vậy nên làm thế nào với tiền lì xì của con? Theo bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn, Ủy Viên Cấp Cao của Hiệp Hội Dinh Dưỡng và Y Học Lối Sống Vương Quốc Anh (BANT), việc giữ tiền lì xì của trẻ có thể phân chia theo độ tuổi.
Trẻ dưới 7 tuổi
Với trẻ dưới 7 tuổi, bạn có thể giúp trẻ giữ tiền lì xì, nhưng cho trẻ biết tiền này được giữ ở đâu (ví dụ như ống heo) và 2 mẹ con sẽ dùng để làm gì, nên dùng trong thời gian ngắn như mua cái gì đó cho trẻ sau đó vài ngày. Điều này sẽ giúp trẻ nhận ra giá trị của tiền và hiểu về ý nghĩa sử dụng của tiền.
Trẻ trên 7 tuổi
Đây sẽ là một cơ hội tốt để dạy trẻ về cách quản lý tiền bạc theo phương pháp 4 chiếc lọ:
- Lọ tiêu tiền: Con có thể mua đồ chơi, bánh kẹo khi đi học.
- Lọ để dành và lọ cho người nghèo: Tôi thấy cách mà người Anh dạy con dùng túi này rất hay. Họ bảo rằng: Túi này con có thể dùng để mua đồ cho con khi con hết túi tiền tiêu, nhưng con cũng có thể chọn mua cho người khác khi họ cũng hết tiền. Nhiều bé chọn cách dùng số tiền này để cho nhà thờ, cho 1 quỹ từ thiện, cho người vô gia cư, mua bánh cho bạn nhỏ, mua đồ ăn cho mèo hoang, làm bánh cho người già vào ngày lễ.
Khi bạn cho trẻ tự chọn sử dụng nó thì bạn đừng can thiệp trẻ dùng nó làm gì. Bạn chỉ gợi ý cho trẻ những nguồn đề cập ở trên, còn quyết định dùng nó thế nào là ở trẻ. Bài học trẻ học về sự lựa chọn sẽ có giá trị rất lớn.
- Lọ đầu tư: trẻ từ 8 tuổi có thể bắt đầu thêm lọ này giúp khuyến khích con dùng nó để mua sự hiểu biết: Sách, lớp học, khóa học. Hãy hỏi trẻ con muốn tìm hiểu gì thêm. Nếu con biết con cần thêm điều gì, đó là lúc con cần đầu tư. Dạy con đầu tư không hẳn phải dạy trẻ lấy tiền để học 1 bài học kinh doanh. Đơn giản, bạn dạy trẻ rằng: Giá trị con bỏ ra cho kiến thức bản thân là phần đầu tư sẽ sinh lãi trên bản thân con.